Giáo Dục Sớm – Bắt Đầu Từ Đâu?

Mẹ Dạy Bé
Bạn có thể bắt đầu từ khi bé vừa ra đời. Quá sớm ư? Có người còn “thai giáo” nữa kìa! Thủ thỉ với con trong bụng, kể truyện, chơi nhạc, đọc thơ, v.v… Nếu trong bụng bé đã nghe và hiểu, vậy sao lại cho rằng sau khi chào đời, lớn hơn rồi, bé lại không? Chỉ là do ba mẹ mong bé phản ứng lại mà chưa thấy nên mới cho rằng như vậy thôi.
Mình biết đến Giáo dục sớm khi đọc được cuốn “Chờ Đến Mẫu Giáo Thì Đã Muộn” của Ibuka Masaru, vốn là chủ tịch tập đoàn Sony. Ông là 1 trong những người đi tiên phong về giáo dục tuổi ấu nhi ở Nhật. Mình ấn tượng với cách dạy dỗ chu đáo, cẩn thận và vẹn toàn của ông đề ra. Nhưng cái mình thích nhất ở dạy con kiểu Nhật là vai trò được đề cao của gia đình, mà trên hết là mẹ. Nó có nhiều điểm tương đồng với cách dạy con truyền thống của người Việt mình, lại gợi ý các phương pháp giáo dục con dựa trên nghiên cứu khoa học. Đọc xong, mình vỡ lẽ ra nhiều điều tuyệt vời quá. Tiếp đó mình đọc đến series 3 cuốn “Dạy con kiểu Nhật” dành cho trẻ từ 0-3 tuổi của Kubota Kisou. Nhưng tác động mạnh nhất đến mình là cuốn ” Phát triển Trí lực và Tài năng Trẻ nhỏ” của Shichida Makoto. Mình đã áp dụng cho Quân và chứng kiến được kết quả khả quan. Nếu có thời gian và hứng thú , các bạn nên tìm đọc và dạy cho con. Mình cũng sẽ chia sẻ thêm nếu có thời gian.

Trở lại với chuyện bắt đầu từ đâu, mình bắt đầu bằng việc mà mình làm giỏi nhất: trò chuyện. Khi Quân còn trong bụng, mình “tám” với anh ấy nhiều lắm, chuyện sáng nay thức dậy thời tiết ra sao, thuyết minh cho Quân nghe mẹ đang làm gì, hôm nay mẹ đi làm có gì vui, rồi nếu đi chơi thấy gì hay hay thì tả lại cho “ảnh” nghe, lúc thì ngồi ngắm trời đất, mây gió rồi “tâm sự” các bài học đạo đức. Có khi mình lại còn bày trò “nếu con đồng ý thì đạp 1 cái, không chịu thì đạp 2 cái”. Và mỗi lần ảnh đạp “như ý” thì vui lắm. Ai biết được ảnh hiểu thật hay không, mình cứ nói đi, biết đâu được, phải không?
Ngoài ra, mình còn đọc sách, truyện, thơ ca, thậm chí hát cho Quân nghe. Lúc nào cũng thủ thỉ dặn dò chuyện lớn chuyện nhỏ như “đừng lộn nhào nhiều coi chừng nhau quấn cổ” hay “phải biết yêu thương nghe lời ba mẹ” hoặc “sau này nhớ vui vẻ với mọi người”, v.v…
Không biết có phải như vậy hay không mà bây giờ mình nói gì Quân cũng hiểu, rõ ràng cặn kẽ chứ không phải lờ mờ. Bằng chứng là 2 vợ chồng mình dạy Quân 1 kỹ năng mới nào cũng đều dùng ngôn ngữ là chính, nhiều khi không thị phạm Quân cũng làm theo được.
Học ngôn ngữ là 1 phần quan trọng cho việc phát triển não trong thời gian 0-3 tuổi. Nếu nuốn bắt đầu dạy con kiến thức, hãy trò chuyện với con, bất kể ngày tháng, bất chấp phản ứng của con, nhé bạn.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *