Tử tế Thiện lành

Mình đang dạy ở một trường mẫu giáo, lớp trẻ lớn sắp vô lớp Một. Mình có 1 cái túi nhỏ, chứa mấy đồ linh tinh như cái còi, hòn đá, con cá gỗ, nút áo gỗ, viên bi tròn, chú thỏ tí hon, chú voi sứ, v.v… Mấy món này lúc nào cũng mang đến sự ồ à cho mấy bạn nhỏ hết nha.

Thực ra cái “túi thần kỳ” này, trong môn Tiếng Anh ở trường Waldorf hay được gọi là “The English Bag”, và mấy món bỏ trong túi thường sẽ đi theo 1 chủ đề nào đó. Nhưng vì đang dạy trẻ mầm non, chủ yếu mình chỉ có hát múa chơi game, lược bỏ hết tất cả các hoạt động “đánh thức” trẻ hoặc đòi hỏi trẻ phải tập trung suy nghĩ, nên những món mình chọn bỏ vào túi thường là mấy món các bạn yêu thích. Trai nhỏ nhà mình cứ lâu lâu lại đưa mẹ 1 hòn đá, hay cái vỏ ốc, rồi thỏ thẻ “Mẹ đem lên trường dạy Tiếng Anh cho mấy bạn đi.” Cưng dễ sợ, teacher care officer của mình haha.

Hôm qua mình lôi “túi thần kỳ” ra để chơi trò chơi thì phát hiện chú chim gỗ của mình bị gãy đuôi mất tiêu. Vì đây là quà chia tay của học trò tặng nên mình tiếc lắm, xuýt xoa. Mấy bạn mầm non thấy vậy thì nhìn không chớp mắt, mình mới đưa chú chim gỗ cho các bạn vuốt nhẹ trên đầu để vỗ về cái đuôi đau. Khi chuyền đến tay M thì bạn thổi phù lên cái đuôi gãy, vẻ mặt quan tâm nhẹ nhàng lắm. Rồi thì cả lớp lại chuyền thêm 1 vòng để ai cũng thổi phù lên đuôi bạn, cho bạn chim gỗ bớt đau, rồi dặn dò cô nhớ “dán keo lại cho bạn”. Thương hết sức luôn.

Theo giáo dục Waldorf, từ 0 đến 7 tuổi, trẻ sẽ được dạy về lòng tốt (goodness) thông qua thực hành yêu thương, cách các cô xử lý tình huống khi trẻ phạm lỗi hoặc không an ổn trong người. Nếu có thời gian, mình sẽ viết nhiều hơn về đề tài này nha. Nhưng nhìn chung, các cô không bao giờ khiến trẻ cảm thấy quá tồi tệ về lỗi của mình – chỉ ra lỗi, cùng trẻ sửa sai và luôn luôn tha thứ. “Take it easy!”

Mình phải học nhiều lắm mới có thể phản ứng theo cách mình vừa mới nói, để tránh làm tổn thương con mình. Vì mình lớn lên trong môi trường mà khi mình lỡ làm lỗi thì sẽ bị nói dữ lắm. Cũng khó, vì gia đình mình đông chị em quá, lại không dư dả gì, nên Ba Mẹ mình gần như lúc nào cũng căng thẳng hết. Cho nên mình thấy, nếu đứa trẻ được lớn lên trong một môi trường mà lỗi lầm được xử lý nhẹ nhàng (không phải không để ý đến lỗi nha) thì tính tình chúng sẽ mát mẻ dễ chịu lắm. Mình quan sát và nhận thấy như vậy đó.

Còn bạn thì sao?

Chan

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *