Dạy Toán bằng Tiếng Anh (theo phương pháp Waldorf)

Mình học Toán dở lắm luôn. Hồi nhỏ khi còn học cộng trừ nhân chia, số với số thôi thì mình cũng ok, đến khi lên cấp 2, khi chữ với số nắm tay dung dăng dung dẻ là mình chính thức cắt đứt mối tơ duyên với môn này.

Cho nên khi học sư phạm Anh, cuộc đời mình như được sang trang vậy. Ôi không còn phải nhìn ngó gì tới số má, thiệt lòng khoan khoái nhẹ nhõm hết sức. Xong rồi mình tốt nghiệp và đi dạy ở một trường tiểu học quốc tế, trong số các môn mình được giao dạy có môn Math… Thiệt éo le! Nhưng cũng còn may, nó vẫn là số với số thôi. Rồi nhân duyên đưa đẩy mình biết đến phương pháp Steiner Waldorf, mình cũng vẫn phải cho trẻ làm quen với một số khái niệm về toán học. Có điều, nó khá thú vị và nhẹ nhàng đối với một người mơ mộng như mình, cho nên mình cảm được. Hôm nay mình sẽ chia sẻ với các bạn một số điều mình học được, hoặc tự nghĩ ra và áp dụng trong lớp nha.

Toán học trong Waldorf

Mình không phải chuyên gia về mảng này, nên mình chỉ nói những gì trong khả năng hiểu biết của mình thôi nha.

Trẻ học trong môi trường Steiner Waldorf bắt đầu làm quen với chữ và số vào năm 7 tuổi, lớp Một. Trước đó, ở lứa tuổi mầm non, trẻ cũng có thực hành cộng trừ, nhưng thông qua những việc rất thực tế, ví dụ như chia trái cây cho các bạn trong giờ ăn xế chẳng hạn. Trẻ làm quen với chất lượng của con số, trẻ nhận biết “bảy” không phải là chữ số “7” mà là bảy miếng cam, bảy ly nước, bảy cái chén, v.v… Đối với trẻ lớp Một, các bạn cũng làm quen với khái niệm số lượng theo cách tương tự, thông qua các chấm tròn hoặc viên thuỷ tinh để học đếm. Nhưng cho dù như thế nào, trẻ vẫn phải hiểu được tất cả số đều là một phần của một thể hoàn chỉnh (parts of a whole), ví dụ “4 cây cột trong 1 ngôi nhà”, “3 cạnh của 1 hình tam giác”, “10 cánh hoa trong 1 bông hoa”, v.v…

Toán trong môn Tiếng Anh

Mình sẽ chia chủ đề này ra làm 2, phần đầu bàn về việc đếm số, phần 2 sẽ nói qua các khái niệm phức tạp hơn.

Dạy về số đếm, trẻ làm quen với các khái niệm này trong giờ Tiếng Anh thông qua các hoạt động nhấn mạnh vào số lượng thay vì con số. Một ví dụ mình có thể kể ra để bạn dễ hình dung như vầy:

Lớp mầm non hiện mình đang dạy gồm các bạn đang ở tuổi thứ sáu, cho nên mấy bạn nhỏ cũng được làm quen với các khái niệm đếm số 1-10. Mình cho các bạn chơi trò này:

Đầu tiên mình dạy bài “Hickory Dickory Dock

Hickory Dickory Dock

A mouse ran up a clock

The clock struck one,

The mouse ran down.

Hickory Dickory Dock

Ding dong!

Cứ như vậy, cả lớp cùng đọc đến khi đồng hồ điểm 5 tiếng, mỗi khi đồng hồ struck “one” thì mình giơ một ngón tay, struck “two” thì hai ngón tay; rồi ở mỗi tiếng gõ “ding dong” thì mình lại cụp một ngón tay xuống.

Sau vài buổi, trẻ đã hiểu được khái niệm “đồng hồ gõ mấy tiếng thì tương đương với mấy giờ”, mình cho cả lớp chơi trò

“What time is it?”

Mình yêu cầu trẻ nhắm mắt lại để có thể tập trung lắng nghe tốt hơn, sau đó nói “The Hickory Dickory Dock struck ‘ding dong, ding dong, ding dong’. What time is it?” thì trẻ đã có thể trả lời “three“, theo đó mình sẽ dạy cấu trúc “It is three o’clock.” (Mình không dạy cấu trúc rút gọn “It’s” vì trẻ cần làm quen với cấu trúc chuẩn, đầy đủ trước.) Đơn giản vậy thôi, nhưng trẻ hiểu được không chỉ khái niệm đếm số, mà còn nhìn thấy được số nằm trong nhiều thứ xảy ra hằng ngày quanh chúng nữa. Cần nhấn mạnh là, mình không chỉ ra bạn nào trả lời đúng hoặc sai, mình chỉ đơn giản đưa đáp án vậy thôi. Điều này giúp trẻ không thấy xấu hổ nếu trả lời sai, và bảo đảm rằng tất cả đều chơi vui, không nhằm vào đúng-sai, thắng-thua.

Một số ví dụ khác

Một số trò chơi khác mà bạn có thể áp dụng cho trẻ nhỏ hoặc trẻ lớp 1 có thể bao gồm:

“How many claps?”

Tương tự như trò bên trên, bạn có thể đơn giản hoá bằng cách vỗ tay, hoặc dậm chân, và hỏi trẻ có bao nhiêu tiếng vỗ, tiếng dậm chân. “How many claps did you hear?” “How many times did I stamp my foot?” và trẻ sẽ trả lời bằng “I think I heard…/ I think you stamped…” Bạn để ý không, là “I think…” chứ không phải khẳng định “three claps, four times…”, mình dạy trẻ sự khiêm nhường nữa. Dễ thương lắm!

How many cows/cats/ducks?”

Sau khi đã dạy về tên các con vật và tiếng kêu của chúng, bạn có thể cho trẻ chơi trò này nè.

Một bạn (A) đứng đối diện với cô, sau lưng là một số các bạn đóng vai con vật đó. Ví dụ, cô muốn “three cows” thì sẽ mời 3 bạn xếp hàng sau lưng bạn A. Khi cô hỏi “What animal is it?” thì các bạn sẽ bắt đầu kêu “moo, moo…”, bạn A sẽ phải lắng nghe thật kỹ, và trả lời tên con vật “It is a cow.” Sau đó cô sẽ hỏi “How many cows do you think you heard?” và trẻ sẽ trả lời bằng “I think I heard…” dựa trên khả năng phân biệt giọng nói của mình.

How many stones/petals/shells?”

Căn bản là, mấy trò này tương tự nhau hết á, bạn có thể tự nghĩ ra nhiều biến thể phù hợp với lớp, với học trò trong ngày hôm đó. Ví dụ mình hay ngẫu hứng lấy một bông hoa trên bàn và đố các bạn đoán xem hoa có bao nhiêu cánh, hoặc trong rổ có bao nhiêu vỏ sò, hay trên áo váy một bạn trong lớp có bao nhiêu màu, bao nhiêu hoa, v.v… Một câu kinh điển nhất mà mình hay hỏi là “How many children are there in the class today?” hehe. Đối với mình, chỉ cần trẻ muốn trả lời là được, đúng hay sai không quan trọng, mình luôn luôn có thể cùng cả lớp đếm lại và tìm ra đáp án. Mình nhớ có lần xem qua một clip hướng dẫn chơi trò đoán xem trong tay cô có bao nhiêu cây viết, bạn hướng dẫn có nói rằng phải ghi lại câu trả lời của học trò lên bảng, để phòng trường hợp trẻ sau khi nghe đáp án sẽ đổi lại dự đoán ban đầu của mình. Cá nhân mình nghĩ, nếu giáo viên không đặt nặng chuyện đúng sai, không cho điểm, không treo giải, thì không có lý do gì khiến trẻ phải nói dối cả. Vì thông thường, trẻ con nói dối vì chúng muốn đạt được thứ nào đó. Người lớn chúng ta cần tránh hướng sự tập trung của trẻ vào chuyện thắng thua, để trẻ có thể tự do và hồn nhiên như chính bản thân chúng, trong mọi hoạt động. Đó cũng là lý do khiến những môn mang tính đối kháng như đá banh thường ít được khuyến khích trong môi trường giáo dục Waldorf, chúng được gọi là môn thứ 13 (Steiner phân 12 môn học theo 12 cung hoàng đạo, bữa nào rảnh mình dịch bài này heng.)

À, và trong lớp của mình, bạn nào muốn trả lời câu hỏi của “tít-chờ Chang” đều phải giơ tay và hỏi “May I?” thì mới được cô mời trả lời đó nha. Tiên học lễ, hậu học văn mà.

Chúc các bạn luôn tìm thấy niềm vui khi ở bên trẻ con.

Chan

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *