ESP (Extra Sensory Perception) – Luyện Giác Quan Thứ Sáu

Mẹ Dạy Bé

Nội dung trong bài này do mình tổng hợp từ bài viết trong diễn đàn này và trích lược từ cuốn “33 Bài tập theo phương pháp Shichida”.

ESP nhằm luyện tập giác quan thứ 6, một giác quan của não phải. Do trẻ em từ 3 tuổi đổ lại vẫn sử dụng chủ yếu là não phải, nên càng sớm luyện tập thì giác quan này càng nhạy bén và có thể được sử dụng tốt sau này, khi bé đã lớn. Giác quan thứ 6 giúp con có linh cảm tốt, phán đoán nhạy bén, trực giác sắc sảo, giúp con có thể quyết định khi đứng trước những khó khăn mà suy luận logic không hữu ích.

Trong bài này mình sẽ viết về những kỹ năng sau:

  1. TELEPATHY (Đọc ý nghĩ)
  2. CLAIRVOYANCE (Nhìn xuyên thấu)
  3. HAND READING (“Đọc” bằng cách chạm tay)
  4. PRECOGNITION (Tiên đoán)

1 điều lưu ý với các bạn là tất cả các hoạt động này đòi hỏi sự tập trung và bình lặng của tâm. Do đó, cả mẹ và bé nên thực hiện hít thở sâu trước khi bắt đầu.

1. TELEPATHY

Sẽ rất tốt nếu mẹ là người luyện tập hoạt động này với con, do tự bản thân mẹ và con đã có mối liên kết sâu sắc từ khi con là bào thai trong bụng mẹ. Mẹ sẽ gửi hình ảnh cho trẻ từ con mắt thứ ba nằm giữa 2 đầu lông mày, và con sẽ nhận hình ảnh cũng từ con mắt thứ ba này.

Để thực hiện hoạt động này, nếu cần., cả mẹ và con cùng nên nhắm mắt hoặc dùng tay che mắt để có thể hoàn toàn tập trung. Mẹ nên luyện tập trước khi thực hành cùng con, để có thể hình dung rõ ràng trong đầu hình ảnh mình muốn gửi – màu sắc, hình dạng. Nên thực hiện hít thở trước khi vào bài tập này vì khi tim của mẹ và con cùng bình lặng, hình ảnh sẽ rất dễ được truyền đi và nhận lấy.

Mình dẫn ra 2 hoạt động cho bài tập này như sau:

a. Đoán thẻ/vật

Mẹ giới thiệu cho bé các món đồ vật dùng để thực hành. Thời gian đầu tiên nên bắt đầu với 2 món, và nên là vật thật, sau đó tăng dần số lượng và thay bằng thẻ cho gọn cũng được. Lúc giới thiệu, mẹ nên cho trẻ quan sát kỹ, chạm vào nếu cần thiết.

Sau đó mẹ gửi hình ảnh cho bé trong khoảng 5 giây và kiểm tra.

-Nếu chơi bằng vật thật, mẹ đưa ra các món và cho trẻ chọn món mà trẻ nhận được hình ảnh.

-Nếu chơi bằng thẻ, mẹ nên có 2 bộ thẻ như nhau. Mẹ xếo thẻ thành 2 hàng ngang, cùng số thứ tự. Hàng của trẻ, hình hướng lên, hàng của mẹ, hình úp xuống. Mẹ chọn 1 thẻ bất kỳ, tập trung nhìn cho đến khi hình ảnh đó xuất hiện trong đầu. Bé, khi nhận được hình ảnh, sẽ chọn từ hàng của mình 1 thẻ tương ứng. Có thể lặp lại đến 5 lần.

b. Đọc ý nghĩ

Mẹ và bé ngồi đối diện nhau. Mẹ ra chủ đề (con vật, hình dạng, chữ cái, phương tiện giao thông, v.v…), sau đó yêu cầu con đoán xem mẹ đang nghĩ tới con/món nào.

 

2. CLAIRVOYANCE

Đây là hoạt động nhìn xuyên thấu bằng cách tập trung ý nghĩ. nếu được luyện tập từ sớm, trẻ sẽ dễ dàng đoán ra. Người Việt mình cũng thường hay áp dụng hoạt động này trong trò chơi “Tập Tầm Vông Tay không-Tay có”. Lưu ý, hoạt động này không cho phép bé chạm vào tay / hộp / thẻ của mẹ.

Bắt đầu bằng việc giới thiệu từng món đồ với bé. Cho bé chạm nếu cần phân biệt chất liệu.

a. Tập tầm vông

-Mẹ cho 1 món đồ vào tay, tay còn lại không có gì, bé tìm xem tay nào có đồ.

-1 cách khác, mẹ cho 2 món khác nhau vào 2 tay, bé tìm món theo ý mẹ.

b. Chơi đoán thẻ

Có 2 cách:

-Mẹ xếp úp thẻ thành hàng ngang trên mặt phẳng. Mẹ chỉ vào 1 thẻ bất kỳ để trẻ đoán xem đó là gì.

-Mẹ cần 2 bộ thẻ. 1 bộ xếp ngửa thành hàng ngang trên mặt phẳng. 1 bộ úp mặt đưa cho trẻ cầm trên tay. Trẻ cần nhìn xuyên qua thẻ trên tay và xếp chúng thàng hàng, theo cùng thứ tự như thẻ của mẹ. Chú ý, trẻ vẫn úp thẻ khi xếp. Sau khi hoàn thành, mẹ mới trở mặt từng thẻ để kiểm tra.

c. Trúc xanh (Pelmanism) – tương tự trò chơi Trúc xanh trên TV

Mẹ xếp các cặp thẻ 1 cách ngẫu nhiên thành bảng (4×4, 5×5 hoặc hơn). Trẻ nhìn và chọn ra cặp giống nhau. Có thẻ chơi theo lượt với mẹ, ai đoán trúng được giữ thẻ, ai đoán sai mất lượt.

d. Đoán vật trong hộp

Mẹ giới thiệu 5 trái banh cùng kích cỡ nhưng khác màu cho bé. Mẹ chọn 1 và bỏ vào hộp. Bé nhìn xuyên qua hộp và đoán màu của banh.

e. Bịt mắt đoán vật – trò này áp dụng khi bé trả lời đúng 100% các trò giới thiệu phía trên.

Mẹ bịt mắt trẻ, cho trẻ đoán thứ gì đang được đặt trước mặt mình.

f. Bắt xác ướp – áp dụng khi bé chơi khá tốt trò (e)

Bé bị bịt mắt, cố gắng bắt mẹ. Mẹ không chạy mà chỉ im lặng đổi chỗ đứng.

 

3. NHẬN BIẾT BẰNG TAY

Hoạt động này đòi hỏi trẻ phải chạm (mà không nhìn thấy) để nhận biết món đồ. 1 số trò có thể được tái áp dụng như Tập tầm vông, Đoán vật trong hộp (5 trái banh cùng trong 1 hộp, trẻ chọn 1, cầm trong tay và đoán màu, sau đó rút tay ra để kiểm tra).

a. Chơi với thẻ

Mẹ giới thiệu chủ đề cho bé, sau đó xếp úp 10 thẻ trước mặt trẻ. Trẻ chạm vào thẻ và đoán xem đó là hình gì.

b. Hình gì trên giấy?

Mẹ dùng giấy có kích thước 2x2cm, viết 1 chữ cái lên đó, sau đó vo lại thành trái banh. Bé cầm banh đặt lên tai / nhét dưới cánh tay để đoán (đây là vùng nhạy cảm).

 

4. TIÊN ĐOÁN

Trò này có thể chơi hằng ngày, bất cứ nơi đâu. Mục tiêu là để trẻ đoán xem việc gì sẽ xảy ra tiếp theo. Mẹ có thể cho bé đoán:

-thời tiết trong ngày như thế nào

-xe lửa, buýt chạy từ hướng nào đến

-thang máy bên nào sẽ đến đón mình

-ba đi làm về đến cửa lúc nào

v.v…

Ngoài ra có thể chơi với thẻ như sau:

Mẹ đưa bé xem 5 thẻ. Bé đoán thứ tự của 5 thẻ, mẹ chép lại. Ngày hôm sau, mẹ tráo thẻ rồi xếp ngẫu nhiên thành hàng để kiểm tra.

 

Chúc các bạn có nhiều niềm tin nơi bản thân và con để có thể thực hiện tốt các hoạt động này. Lưu ý là cần rất kiên nhẫn luyện tập, vì kết quả đến sớm nhất là sau 6 tháng thực hành liên tục. Chúc các mẹ và các con thành công. Đối với những bạn nào còn hoài nghi, hãy tìm đọc cuốn “Bí ẩn não phải” thử xem nha.


Discover more from Mẹ Dạy Bé

Subscribe to get the latest posts sent to your email.

Leave a Reply