Dọn đồ chơi (updated)

Hồi xưa mình có viết 1 bài về việc train cho con dọn đồ chơi. Lúc đó Q còn nhỏ xí, mình ứng tác một câu chuyện về đồ chơi mà Q nghe xong liền đi dọn. Mình thấy mình hay ghê, giỏi ghê, xong rồi sau đó nó vẫn ghê như vậy – tức là Q vẫn không dọn đồ chơi hahaha. Cho nên mình buồn tình cũng không viết và vẽ câu chuyện đó luôn.

Post này là để update vụ dọn đồ chơi đó.

Mình viết post cũ vào 2016, lúc đó Q khoảng 1 tuổi, 1 tuổi hơn. Tuổi đó mà mong con nít chơi xong tự động dọn dẹp, kể ra mình cũng “ít” có tham vọng lắm 😅. Cho nên nó không có hiệu quả, bất kể mình làm gì lúc đó. Hiện tại thì Q và em trai là M, khi chơi xong đều dọn dẹp rất sạch sẽ, gọn gàng. Một phần vì 2 anh em đã lớn (bạn sắp 8 tuổi, bạn sắp 5 tuổi), phần khác vì đã quen vào nếp.

Chuyện đó đã xảy ra như thế nào?

Trước hết là Q đã lớn, buộc phải có trách nhiệm với việc mình làm. Và M thì có anh hai, thần tượng của M, để noi theo. Nhưng mà nếu chỉ có một mình, M cũng tự dọn đồ chơi nữa, từ khi bạn được khoảng đâu đó 3 tuổi.

Đối với Q, mình áp dụng cách kể chuyện, mình nghĩ nó cũng sẽ hiệu quả nếu nội dung câu chuyện phù hợp, và nó được lặp đi lặp lại vào đúng thời điểm (mình nghĩ nên là mỗi tối trước khi đi ngủ, chứ không phải ngay lúc bạn không dọn đồ chơi, như xưa mình làm). Đối với M, bạn đi học mẫu giáo từ khá sớm, 18 tháng, cho nên M theo nếp dọn dẹp ở lớp của các cô. Các cô không ép trẻ tự dọn dẹp, mà khi giờ chơi trong lớp kết thúc, cô là người dẹp chính. Cô hát “Bạn ơi, hết giờ rồi, nhanh tay xếp đồ chơi, nhẹ tay thôi bạn nhé, xếp đồ chơi lên nào”, rồi cô dọn dẹp, bạn nào muốn phụ thì ra phụ cô (cô sẽ cùng trẻ cuộn dây len, hoặc xếp vải, hoặc gom gỗ vào rổ v.v…), bạn nào chưa muốn phụ giúp gì thì ngồi lên ghế và chờ đợi, nhưng mà bạn nào cũng hát vang vang “Bạn ơi hết giờ rồi…” cưng lắm! Khi lớp học đã gọn gàng sạch sẽ thì tất cả sẽ cùng đi rửa tay rồi xuống nhà ăn cơm trưa.

Việc không ép buộc này, mình cũng áp dụng với M ở nhà khi bạn còn nhỏ (bây giờ thì không có chuyện đó đâu nha M). Mình cũng hỏi M muốn dẹp không, khi bạn không muốn thì mẹ dẹp, và mẹ không tỏ ra chán nản hay bực bội khi phải làm việc đó (trong bụng mẹ sao thì không biết nhưng mặt mẹ rất vui rất tươi nha). Mình quan sát thấy khi M bắt đầu tự giác dẹp đồ chơi thì công việc đó không mang tính áp đặt, kiểu như “con phải, con cần, con nên” mà nó trở thành “con muốn”, nó tự nhiên, và nó tự nguyện, dễ dàng và nhẹ nhõm gì đâu!

Đó là một ví dụ về giáo dục thuận tự nhiên đó. Mình đưa nó vô nếp, vô nhịp, rồi mình làm, và trẻ sẽ làm theo thôi, không sớm thì muộn; người lớn dẫn dắt, nắm tay trẻ đi chầm chậm từng chút một.

2 đứa con trai, 2 tính cách gần như trái ngược, 2 cách giáo dục thuở nhỏ cũng đi theo hướng khác nhau luôn, nhưng 2 anh em vẫn chơi với nhau rất vui. Và mình cũng chiêm nghiệm được nhiều điều thú vị, đồng thời nhận ra bản thân cứng đầu như thế nào.

Quá trình nuôi con của mình là chứng kiến bản thân nhỏ đi rồi lớn lại như thế nào. Mình chúc bạn cũng có những trải nghiệm thú vị như của mình nha.

Chan

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *