Đặt cái tiêu đề “hầm hố” quá, giờ ngồi gõ từng dòng mình cũng hồi hộp ghê.
Mình là một người rất cầu toàn. Đó là lý do mình chọn giáo dục sớm khi bắt đầu mang thai con trai đầu lòng. Mình tìm đến với phương pháp Shichida nhằm hướng con đến với thật nhiều kiến thức, thật nhiều khả năng trong các lĩnh vực âm nhạc, hội hoạ, tính toán, v.v… và cả những khả năng phi thường khác như nhìn xuyên thấu, đoán trước tương lai, đọc suy nghĩ, v.v… Mình mong muốn con mình giỏi nhất có thể, vì trẻ em từ 0-3 tuổi nằm trong giai đoạn vàng để phát triển thành thiên tài.
Và con mình lớn lên đến 2 tuổi trong môi trường như vậy – con nhanh nhẹn, tự tin, nghe hiểu tiếng Anh rất tốt, và không ngừng đặt câu hỏi. Mình cho con rất nhiều giải đáp, rất nhiều kiến thức, và song song đó là rất nhiều quy luật: “Con phải, con cần, con nên…” Mình không nghĩ bà mẹ nào theo giáo dục sớm cũng như mình, nhưng mình cũng không nghĩ mình thuộc thiểu số.
Thời gian đó căng thẳng với mình lắm :)) Vì mình vốn cầu toàn mà, khó chấp nhận sai sót. Con trai đầu mình lớn lên trong khuôn khổ, quy tắc, luật lệ, thêm bản tính thích phân định rạch ròi, nên lúc thì phân biệt trắng – đen ghê lắm, khi lại lén lút làm bậy sau lưng ba mẹ.
Sau 2 tuổi, mình tìm trường mầm non cho con, và tìm tới với phương pháp Steiner. Phương pháp này, như mình đã nói ở post trước, đi ngược gần như hoàn toàn với giáo dục sớm. Mình chia sẻ một số điểm khác biệt nha.
Các bạn đã quen với giáo dục sớm rồi, nên đầu tiên mình sẽ nói sơ về phương pháp Steiner/Waldorf trước. Đây là phương pháp giáo dục được phát triển từ triết lý Anthroposophy (dịch là Nhân trí học), vốn nhắm đến quá trình trở thành con người trọn vẹn nhất. Từ triết lý này, ông Rudolf Steiner đã phát triển ra nhiều những nhánh nhỏ hơn như Biodynamic (nông nghiệp), Anthroposophic Medicine (y học), Eurythmy (chuyển động tâm hồn, một dạng múa chữa lành), và Education (giáo dục).
Do phương pháp giáo dục này được xây dựng từ triết lý Anthroposophy, cho nên nó có những quy tắc nhất định bất di bất dịch như:
(1) Về dạy chữ:
Trẻ nhỏ từ 0 – 7 tuổi không được tiếp xúc với màn hình máy tính, điện thoại, các vật liệu phi tự nhiên, và đặc biệt là chữ cái hoặc chữ số, nhằm nuôi dưỡng trí tưởng tượng vô hạn của trẻ. Điều này là điểm khác biệt siêu to lớn với giáo dục sớm, nơi mọi người cố gắng đổ thật nhiều kiến thức cho trẻ, vì trẻ 0 – 3 tuổi như miếng bọt biển, có thể tiếp thu không giới hạn những gì người lớn giới thiệu.
Vì vậy, trẻ theo Shichida, Glenn Doman biết đọc từ rất sớm (0 – 3 tuổi); trẻ theo Montessori hay Reggio thì làm quen với chữ cái trễ hơn một chút (3.5 – 5.5 tuổi) nhưng cũng vẫn sớm hơn trẻ theo Steiner (7-8 tuổi). Và trẻ Steiner nghe kể chuyện chứ không được đọc sách, bedtime story của các bạn nhỏ này sẽ là được nghe ba mẹ kể chuyện (ba mẹ học thuộc lòng để kể) thay vì đọc sách cùng ba mẹ.
(2) Về dạy ngoại ngữ:
Cũng tương tự việc dạy chữ, trẻ theo giáo dục sớm được hướng đến việc tiếp thu nhiều ngôn ngữ cùng lúc thông qua khả năng bắt chước tuyệt vời ở lứa tuổi mầm non. Từ đó, trẻ sử dụng ngoại ngữ lưu loát như trẻ em bản xứ, với lượng từ vựng nhiều, phản xạ linh động cùng với ngữ điệu chuẩn xác.
Khác với quan điểm trên, trẻ theo phương pháp giáo dục Waldorf được khuyến khích bắt đầu việc học ngoại ngữ khi được 7 tuổi, và nên được học ít nhất là 2 ngôn ngữ với 2 hệ chữ viết khác nhau (chẳng hạn như tiếng Anh và tiếng Hoa). Rudolf Steiner tin rằng việc học ngôn ngữ sẽ hỗ trợ cho việc hình thành và phát triển tư duy đa chiều (do mỗi ngôn ngữ được tạo ra dựa vào cách một dân tộc nhìn nhận sự vật, sự việc) cũng như nuôi dưỡng tâm hồn con người. Do đó, trẻ học ngoại ngữ theo phương pháp này có thể sẽ không phát âm chuẩn xác hay đạt điểm cao trong các kỳ thi, nhưng chúng sẽ có thể cảm được ngôn ngữ đó ở mức độ sâu hơn, và hiểu về văn hoá của đất nước đó nhiều hơn so với các bạn đồng trang lứa.
(3) Về thủ công:
Đây là một phần rất quan trọng trong giáo dục mầm non. Montessori hay Reggio Emilia đều đề xuất rất nhiều các hoạt động cho trẻ sáng tạo thông qua vẽ tranh, nặn đất sét, làm thủ công, v.v… Vậy sự khác biệt ở Steiner/Waldorf là gì? Đó là ngoài vẽ màu sáp và màu nước, trẻ sẽ học thủ công thông qua các hoạt động thực tế, như thêu, đan len ngón tay, chà láng gỗ, v.v…; và giờ thủ công sẽ được dạy đến hết lớp 12, với việc các hoạt động ở lớp mầm non sẽ tạo tiền đề cho các lớp lớn hơn, ví dụ như trẻ mầm non sẽ tập nặn bằng sáp ong (beewax) thay vì đất nặn (play dough), khi lên lớp 4 sẽ học nặn đất sét (clay modeling), lớn hơn nữa sẽ học làm gốm (pottery).
Các hoạt động thủ công ở các phương pháp giáo dục được kể trên, theo mình, tập trung cho trẻ giải trí, giải phóng năng lượng; còn Steiner hướng đến việc làm ra sản phẩm thủ công thực sự và hữu dụng. Đó cũng là lý do các bạn lớp tiểu học (từ lớp 1 – 8) được học đan, móc, đẽo gỗ, may quần áo, rèn sắt, đóng thuyền, v.v… Thủ công phát triển thành lao động.
Dưới đây là một số hình mình sưu tầm từ các trường Steiner ở Việt Nam để các bạn tham khảo ha.
Trên đây là 3 điểm chính mà mình nghĩ ra. Nếu còn nghĩ thêm được gì mình sẽ viết tiếp nghen.
Nói tóm lại, mình thấy các phương pháp phổ biến ở lứa tuổi mầm non hiện nay không đề ra định hướng lâu dài ở cấp tiểu học và phổ thông cho trẻ. Cho nên mình chọn phương pháp này, để có được lộ trình gần như hoàn chỉnh cho con của mình. Và mình hài lòng với triết lý giáo dục này. Mình cũng là giáo viên dạy tiếng Anh theo phương pháp Steiner/Waldorf từ 2017 rồi đó.
Cám ơn các bạn đã đọc bài.
Chan
Discover more from Mẹ Dạy Bé
Subscribe to get the latest posts sent to your email.