Lần trước mình đã bàn về khái niệm “Sinh hoạt vòng tròn” và dẫn ra một số ví dụ cho việc “Chơi” trong giờ này. Hôm nay mình sẽ tiếp tục viết về phần “Học”, mà cụ thể là học tiếng Anh nha.
Hồi còn dạy ở VUS, mình hay cho chơi các trò thuần là chơi, đồng thời luyện tập tiếng Anh. Có thể kể đến một số trò mà hầu như giáo viên nào cũng biết như:
Duck, Duck, Goose
Trẻ ngồi thành vòng tròn, một bạn (A) đi ngoài vòng tròn, chạm nhẹ vào đầu các bạn, đọc “Duck“, cứ đi và chạm và đọc như vậy, đến khi trẻ chọn một bạn mình thích (B), chạm vào đầu bạn đó, và la lên “Goose“, rồi chạy. Bạn B sẽ phải lập tức đứng dậy đuổi theo. Hai bạn sẽ đuổi nhau chạy xung quanh vòng tròn như vậy, bạn A phải cố gắng ngồi vào chỗ trống của bạn B trước khi bị chạm vào người.
Trò này phải nói là cơ bản nhất của Circle Time Game, mình nghĩ ai cũng biết. Các chữ “duck” & “goose” nhiều khi sẽ được đổi thành từ khác, tuỳ vào bài học hôm đó, ví dụ “boy – girl”, hoặc “shirt – pants” chẳng hạn. Trò này, giáo viên cần để ý cho tất cả học sinh đều được tham gia, đôi khi phải “bỏ nhỏ” với A tên của bạn B nào mà nãy giờ chưa được chọn.
Change chairs
Trò này phải ngồi trên ghế mới chơi được, số ghế bằng số người chơi trừ 1. Giáo viên hoặc một bạn sẽ ra một điều kiện, và những ai khớp với điều kiện đó phải đổi chỗ ngồi: “Change chairs if you…” (Đổi chỗ nếu bạn…).
Trò này cũng kinh điển luôn, do nó áp dụng được cho đủ mọi lứa tuổi, từ bé mầm non đến người lớn đều thích, nhưng đôi khi nó sẽ khiến trẻ hơi quá phấn khích. Giáo viên cần bảo đảm giữ được nhịp phù hợp bằng cách cân bằng khoảng nghỉ giữa các lượt.
Khủng bố
Tất cả ngồi thành vòng tròn, giáo viên ra một chủ đề nào đó, ví dụ “Animals“, các thành viên phải chọn ra 1 ví dụ về con vật. Giáo viên phải cùng ôn lại tên của tất cả các con vật và người chơi ứng với tên đó cho cả lớp nhớ hết, trước khi bắt đầu chơi. Giáo viên đứng giữa vòng tròn, gọi tên một con vật và chạm tay vào người chơi ứng với tên đó (A), bạn này phải gọi tên một con vật khác trước khi bị chạm vào người (chú ý không gọi tên người bên cạnh hoặc tên “con vật” vừa gọi mình); nếu chậm thì phải thay thế vị trí giữa vòng tròn và trò chơi cứ vậy tiếp tục. Học trò mình hay gọi tên người ở “phía bên kia biên giới” làm cho tên đứng giữa chạy hụt hơi.
Trò này tên hơi ghê nhưng chơi quá vui luôn, cái hạn chế là nó chỉ giúp ôn từ vựng chứ không ôn cấu trúc câu được, tương tự trò “Duck, Duck, Goose”. Và cũng làm cho trẻ phấn khích nhiều, nên nó chỉ nên được chơi trong thời gian ngắn, và nên có hoạt động “thở ra” nhẹ nhàng sau đó, như một bài hát chẳng hạn.
Bây giờ mình sẽ liệt kê vài trò chơi vòng tròn truyền thống mà mình học được sau này, khi nghiên cứu về cách dạy tiếng Anh theo Steiner heng.
Các trò chơi này thường là các trò mà con nít chơi thật với nhau, chứ không phải một trò chơi được thiết kế nhằm phục vụ một điểm ngữ pháp hoặc một cấu trúc câu mà giáo án nhắm đến, như các games bên ESL. Ngược lại, chính từ trò chơi mà giáo viên rút mẫu câu ra để dạy. Thường những trò này được tiến hành dựa trên nền tảng các mẫu hội thoại luôn, rất tự nhiên, mà còn có vần điệu.
Ví dụ nha,
Trò đầu tiên mình muốn nhắc tới là trò chơi đoán ai lấy mất cái bánh quy từ hũ bánh quy: “Who took the cookie from the cookie jar?” Trò này đơn giản, nhẹ nhành mà vui lắm. Mình cho trẻ lớp 1 và 2 chơi, các bạn mê lắm.
Who took the cookie from the cookie jar?
Trẻ ngồi trong vòng tròn, một hũ bánh quy được để ở giữa. Giáo viên nên để “hàng thật vật thật” thì hiệu ứng sẽ mạnh hơn, và trò chơi cũng “thật hơn”. Học trò nhắm mắt, đặt tay ra sau lưng, giáo viên sẽ chạm nhẹ vào tay từng bạn, chọn ai thích hợp và đặt vào tay bạn đó một các bánh quy nho nhỏ. Quy định là không ai được ngoái nhìn ra sau lưng, và không ai được thay đổi vị trí tay trong suốt thời gian chơi. Sau đó thì cả lớp sẽ đồng thanh: “Who took the cookie from the cookie jar?”
Giáo viên đáp: “(A) took the cookie from the cookie jar.”
A sẽ đáp: “Who? Me?“
Cả lớp “Yes, you.“
A: “Not me.“
Cả lớp: “Then who?“
A: “(B) took the cookie from the cookie jar.“
Và trò chơi cứ vậy mà tiếp tục cho đến khi đoán đúng người, người đó sẽ đáp “Yes, it was me.“ thay vì “Not me”. Và ăn cái bánh đó (Tất nhiên rồi! 😄)
Hết sức “authentic”, đúng không? Y như hội thoại bình thường, và trẻ luyện tập thì quá khứ đơn. Cái khiến cho trò chơi này thú vị là tiết tấu và giọng điệu khi hỏi đáp. Giống vầy nè:
Một trò nữa là “Hidden Penny” mà mình thích chuyển thành “Hidden Raisin” để học trò chơi phân biệt trái phải:
Hidden Penny/Raisin
“The penny (raisin) is hidden,
Where can it be?
In my right hand,
In my left hand,
You tell me.“
Học trò sẽ trả lời với “I think it is in your (right/left) hand.” Mình thích cách bắt đầu bằng “I think” khi đoán một điều gì đó, nó nhã nhặn hơn là khẳng định “It is…”, và cũng là một cách truyền tải văn hoá phương Tây mà không cần giải thích gì hết. Trò này dính líu tới đồ ăn, nên lúc nào cũng phải chơi với hết lớp, không sót một ai nha.
Tiếp đó là trò “Stand Back to Back”. Trò này chơi theo cặp, nhưng vẫn đứng theo vòng tròn. Giáo viên đứng ở trung tâm, và ra hiệu lệnh:
Stand Back to Back!
“Stand back to back!
Run around each other
Shake hands
Touch each other’s shoulders.”
Và kết thúc bằng “All change!“
Học sinh có thể xung phong thay thế giáo viên để ra hiệu lệnh, và thay đổi hiệu lệnh đó tuỳ theo những gì được học, ví dụ như “Clap each other’s hands,” hay “Hold hands”, hoặc “Together, make a heart/bridge/letter A.” Đơn giản vậy thôi nhưng học trò cũng thích lắm nha. Còn luyện tập được “imperatives” nữa.
Chơi vòng tròn kiểu này, còn một mảng không thể nào bỏ qua, đó là SINGING GAMES, vui xỉu luôn. Nhưng mà mình sẽ để dành cho bài sau nha.
Chúc các bạn áp dụng thành công.
Chan
Discover more from Mẹ Dạy Bé
Subscribe to get the latest posts sent to your email.
Hi, thank you for your sharing 😍
Hi Ngu. I am glad you are interested 🥰