Trang này, mình dành để viết về chương trình dạy tiếng Anh mầm non, lấy cảm hứng từ phương pháp Steiner Waldorf.
Nếu bạn đã biết qua phương pháp giáo dục Steiner-Waldorf, chắc hẳn bạn cũng biết là trẻ được khuyến khích nên bắt đầu các tiết học về ngoại ngữ vào năm 7 tuổi, và sẽ chỉ chơi / luyện tập với hai kỹ năng Nghe và Nói trong suốt ba năm đầu. Đến năm lớp Bốn, khi trẻ được 10 tuổi, thì bài học Đọc và Viết đầu tiên mới được giáo viên dạy. Và do vậy, việc dạy ngoại ngữ nói chung, hay môn Tiếng Anh nói riêng, là “a big NO-NO” ở trường mầm non Waldorf.
Vì sao?
Vì trẻ mầm non dưới 7 tuổi cần tập trung tất cả các nguồn lực phục vụ cho sự phát triển cơ thể vật lý của trẻ. Bất kỳ một hoạt động nào liên quan đến suy nghĩ như đọc chữ, tính toán, hay học một ngoại ngữ đều đòi hỏi trẻ phải dùng não trái để hoạt động, gây cản trở cho sự phát triển cơ thể một cách toàn diện. Thậm chí, ở các trường mầm non, các cô còn tránh mặc trang phục có họa tiết, có chữ, có tranh ảnh hoạt hình, hoa văn hay các màu tối, để tránh gợi cho trẻ phải suy nghĩ.
Vậy tại sao mình lại viết chương trình dạy tiếng Anh cho trẻ mầm non, lại còn gắn thêm “lấy cảm hứng từ phương pháp Waldorf”?
Thực ra mình cũng khá băn khoăn, và hơi rón rén một chút, khi đề nghị việc này. Vì mình biết sẽ vấp phải nhiều ý kiến trái chiều, khi đề nghị dạy tiếng Anh ở trường mầm non Waldorf. Ớn thiệt chứ bộ! Nhưng mà, sau khi đứng lớp 1 năm ở trường mầm non Khu Vườn Nhỏ Steiner-inspired (quận Bình Tân), thì mình đã có thêm tự tin. Rồi sau khi giới thiệu và bán chương trình cho trường mầm non Happy Kindergarten Steiner-inspired (quận 2), mình lại có thêm chút tự tin hơn nữa.
Hiện nay, một số các trường mầm non Waldorf đang gặp khó khăn khi Phụ Huynh có nhu cầu muốn con mình được làm quen với tiếng Anh từ lứa tuổi mẫu giáo. Mình được nghe chia sẻ từ các chủ trường về sự nghi ngại của Phụ huynh lớp nhỏ, khi trường không có giờ dạy tiếng Anh, và của lớp lớn, khi trẻ sắp vào lớp Một mà chưa biết gì về tiếng Anh. Cộng thêm thực trạng là không phải tất cả trẻ con ở trường mẫu giáo Waldorf đều tiếp tục theo học ở trường tiểu học Waldorf sau khi tốt nghiệp. Không được học chữ tiếng Việt, cũng không biết tiếng Anh, nhiều Phụ Huynh lo ngại cho tương lai con mình ở trường tiểu học, vậy nên một số lớn chọn cho con chuyển trường khi được 4-5 tuổi, hoặc học thêm tiếng Anh ở các trung tâm ngoại ngữ.
Thôi thì, thay vì phải đi học ở ngoài, thì mình dạy trẻ tiếng Anh theo phương pháp Waldorf đi, ôm trẻ trong mộng tưởng vui chơi lâu thêm được chút nào hay chút nấy.
Cấu trúc chương trình
Đành rằng trẻ làm quen với ngoại ngữ thì còn đâu mà mộng với tưởng, nhưng mình sẽ cố gắng giảm thiểu nó hết mức có thể. Chương trình mình viết trong suốt một năm, chỉnh sửa theo cách trẻ tiếp thu, và tham khảo ý kiến của một người bạn thân thiết của mình, vốn là cô giáo mầm non Waldorf, để bảo đảm các hoạt động, động tác không phạm vào những điều cần tránh ở trường mầm non Waldorf.
Chương trình gồm nội dung bài học cho 12 tháng trong năm, lấy 4 mùa làm chủ đề chính để hài hoà với các hoạt động trong giờ học buổi sáng và chiều của trẻ ở trường. Nội dung mỗi tiết học bao gồm các bài thơ, vè, bài hát, trò chơi ngón tay, và các truyện kể theo mùa (ví dụ như “Winter Story“). Khác với đa số các chương trình được thiết kế dựa trên chủ đề – chủ điểm từ vựng hay dự án, mình tập trung cho trẻ học về các khái niệm mùa trong năm, các món đồ, con vật, màu sắc cơ bản. Tất cả những gì trẻ học là những gì trẻ đã biết, nhìn thấy, sờ chạm và cảm nhận xung quanh mình, ở thế giới thực. Từ đó, ngoại ngữ được giới thiệu, như một lăng kính mang màu khác với tiếng Việt mà thôi. Các từ vựng sẽ được giới thiệu lặp đi lặp lại ở những thời điểm khác nhau, theo nhiều cách khác nhau (trong thơ, trong bài hát, trong trò chơi, v.v…), cấu trúc câu được sử dụng tuỳ theo tình huống đời thực thay vì 1-2 mẫu câu cố định.
Điều này giúp cho trẻ, một cách vô thức, hiểu và nhận ra rằng tiếng Anh cũng như tiếng Việt mà thôi – ngôn ngữ có thể được dùng linh động cho cùng hoàn cảnh, cũng như trong tiếng Việt, để hỏi tên, con có thể hiểu “Con tên gì?” hoặc “Tên con là gì?” vậy.
Ngữ liệu
Mình chọn các bài hát, thơ vè truyền thống dành cho trẻ con, một số bài khác do mình tự viết. Các trò chơi, hoạt động trong lớp được lấy cảm hứng từ các trò chơi hoặc hoạt động mà trẻ hay chơi thường ngày, trong giờ sinh hoạt vòng tròn với cô giáo hoặc các trò chơi truyền thống của trẻ con nước ngoài.
Đánh giá trình độ
Do chương trình được thiết kế dựa trên quan điểm cho trẻ làm quen với tiếng Anh, nên sẽ không có bài làm, chữ viết, tô màu như một hoạt động thực hành – áp dụng cuối buổi học; cũng không đòi hỏi trẻ phải nói cho được câu này câu kia, hay bắt trẻ phải hát cho thuộc bài thơ này bài hát nọ. Trẻ được tự do chơi với ngôn ngữ, cảm nhận nó thông qua các truyện kể, và thực hành nó thông qua hát múa, chơi trò chơi.
Mình còn nhớ, trong lớp mình có một bạn không bao giờ hát hay đọc thơ thành tiếng. Bạn chỉ lẳng lặng làm theo các động tác của cô. Đến một ngày đẹp trời, khi cô đọc một bài thơ khá dài và khó nhớ, bỗng nhiên bạn tự tin đọc theo cô thành tiếng. Thì ra là bạn thích bài thơ đó! Một bạn khác, hay giỡn và ít khi tập trung làm theo cô, khi hỏi thì ít khi nào trả lời, nhưng đến khi bạn vào lớp Một trường quốc tế, mẹ bạn nhắn mình cảm ơn vì bạn hiểu được những gì thầy cô nói. Trẻ con là như vậy đó, mỗi bạn có một thời điểm riêng để toả sáng, thông thường là khi bạn cảm thấy thoải mái và tự tin. Mình tin rằng, việc nuôi dưỡng sự ham thích ngôn ngữ ở con quan trọng hơn việc nhìn thấy và đánh giá trình độ của con ở đâu (Tất nhiên mình chỉ đang nói về trẻ nhỏ thôi nha.)
Vậy nên, bạn đừng vội hỏi con “Cái này, cái kia tiếng Anh là gì?” nha, thay vào đó, hãy thử khuyến khích con hát, hay đọc thơ, những bài mà con được học trong lớp. Và bạn cũng nên biết rằng, đôi lúc trẻ sẽ đọc rất lưu loát khi có cô/ba mẹ đọc cùng nhưng khi đọc 1 mình thì lại vấp váp. Trẻ con là vậy mà. Mà đôi khi, người lớn mình cũng vậy mà, đúng không?
Kết luận
Mình nói nhiều như vậy, mục đích để PR cho chương trình đó mà haha. Nói chứ, đây là những lời chia sẻ thực lòng của mình. Khi mình đặt bút viết chương trình (đúng hơn là đặt ngón gõ chương trình), mình không hề có ý định đem bán nó, mình viết cho bản thân mình, để mình dạy trẻ của mình thôi. Cho nên, khi bán được cho 2 trường ở trên là mình vui lắm rồi. Nếu bạn có hứng thú tìm hiểu, hãy liên lạc với mình qua email tmtrang.tran@gmail. com nha. Mình sẽ gửi cho bạn xem “hàng mẫu” nha hehe.
Chúc bạn luôn vui vẻ trong bất cứ thứ gì mình làm.
Và nếu như bạn đang cần 1 chương trình dạy tiếng Anh cho trẻ mà có thể giúp cho các bạn nhỏ vẫn là con nít chưa cần phải lớn chưa cần phải học, thì hãy email cho mình nghen.
Chan
Discover more from Mẹ Dạy Bé
Subscribe to get the latest posts sent to your email.