Sách cho con – Chọn và đọc

Trẻ đọc sách

Đọc sách cho trẻ nhỏ, thậm chí trẻ chỉ mới vài tháng tuổi hay còn trong bụng mẹ không còn là điều mới mẻ hoặc nực cười như xưa nữa. Mình nghĩ là rất nhiều những phụ huynh thế hệ 8x tụi mình rất thích đọc sách cho con, và chịu khó tạo điều kiện cho con làm quen với sách. Mình có tìm hiểu về các dòng sách và cách đọc sách cho con. Mình mạo muội chia sẻ với các bạn trong bài này.

Bài này mình đúc kết từ nhiều nguồn và từ kinh nghiệm của bản thân nên sẽ không ghi cụ thể nguồn ra được. Mình sẽ tạm ghi là “tổng hợp” nghen. Bài hơi dài, bạn chịu khó đọc nghen.

Chọn sách

Đầu tiên là việc chọn sách. Mỗi lứa tuổi sẽ đọc một loại sách khác nhau, phù hợp với sự hứng thú và khả năng hiểu của trẻ. Đương nhiên cái này chỉ là tương đối thôi, có nhiều bé mà mình biết, tuy còn nhỏ xí mà rất thích đọc về khoa học tự nhiên hoặc các sinh vật huyền bí rồi nè.

Phương pháp giáo dục sớm khuyên đọc sách cho con từ nhỏ xíu xiu, bé sơ sinh cũng có sách riêng nữa. Các dòng sách này đa dạng từ kiểu dáng đến chất liệu, và chủ đề thì vô tiền khoáng hậu. Phương pháp thuận tự nhiên không khuyến khích đọc sách cho bé mà chọn cách kể cho bé nghe, giống như hồi xưa nhà cúp điện mấy đứa nhỏ hay quây quần nghe ông bà ba má kể chuyện vậy. Họ tin rằng bằng cách đó, câu chuyện sẽ đi vào tim đứa trẻ và giữ ở đó thật lâu, được minh hoạ bằng những tưởng tượng không giới hạn của trẻ. Sách chỉ bắt đầu được giới thiệu vào năm trẻ 7 tuổi, khi làm quen với những con chữ đầu đời. Còn ai không theo phương pháp nào thì cứ nhìn con mà quyết định.

Cho nên mình tạm chia theo nhóm tuổi nghen, và chỉ bàn nhiều về mảng sách tiếng Anh hoặc sách dịch. Tuỳ nhu cầu và tính cách bé mà bạn lựa chọn để phù hợp với con. Vì như bé lớn của mình bây giờ được gần 5 tuổi nhưng cuồng sách chữ. Chưa biết chữ nào nhưng đã xử hết 8 cuốn mùa dịch này rồi, do ngày nào cũng đeo theo ba xin xỏ năn nỉ ba đọc cho nghe.

0-6 tháng:

Thị giác của bé sơ sinh chưa phát triển hoàn thiện. Mới sinh ra bé chỉ nhìn thấy 2 màu đen và trắng với bóng xám, sau đó đến màu đỏ, và sẽ nhìn được tất cả màu sắc. Cho nên giai đoạn này bé chưa cần nghe ba mẹ đọc gì nhiều, chủ yếu chỉ là nghe gọi tên đồ vật cùng với màu sắc của nó.

Sách giai đoạn này chủ yếu là sách vải (cloth books) và sách giấy cứng (board books) chỉ gồm hình ảnh, đôi khi kèm tên đơn giản của vật trong hình. Chủ đề xoay quanh màu sắc, bộ phận cơ thể, con vật, đồ vật, v.v… Bé được khuyến khích sờ chạm sách.

Đối với bé nào có sở thích đọc sách như Q mình, thì Ehon là một lựa chọn rất ổn, hoặc bất cứ cuốn sách nào có khổ to, hình ảnh minh họa rõ ràng, màu sắc hoặc êm dịu hoặc rực rỡ, và ít có chữ là được. Cá nhân mình không chọn sách gồm nhiều hình vẽ với nét viền đậm, màu sắc tối. Nó tạo cảm giác khá nặng nề.

(1 số mâu sách vải)
(board book – trang sách rất dày)

6-12 tháng:

Bé phát triển nhiều về các giác quan và khả năng nghe hiểu. Đồng thời bé cũng vững vàng hơn trong các tư thế nằm sấp hoặc ngồi. Do đó giai đoạn này bé sẽ thường có hứng thú với sách dạng sờ chạm (touch and feel) với cốt truyện đơn giản và lặp đi lặp lại.

Mình thấy series That’s Not My… của Usborne siêu siêu dễ thương rất phù hợp cho lúc này. Đồng thời đây cùng là lúc sách vải lên ngôi. Do bé bắt đầu khám phá bằng cách sờ chạm, thật khó tránh khỏi việc bé sẽ xé sách hoặc gặm sách. Sách vải sẽ có thể sống sót qua giai đoạn này. Rất tiếc mình không biết kiếm nguồn sách này ở đâu trừ hàng secondhand. Mình may mắn mua được khá nhiều sách vải chất lượng. Mua về mình giặt nước nóng với xà bông, thấy cũng tạm ổn. Tuy nhiên cái con virus Vũ Hán này làm mình hơi ớn nên không dám khuyến khích bạn mua hàng secondhand nữa.

(3 trang trong cuốn “That’s not my baby”)

Sách vải mình thấy chia ra 3 loại:

+Sách sờ chạm cho bé cảm nhận các chất liệu khác nhau, đi kèm với việc học cách gọi tên những món đồ hoặc con vật đơn giản.

+Sách rối để kể chuyện, thường là những câu chuyện được rút gọn, phù hợp với khả năng tập trung (attention span) vốn còn ngắn của trẻ lúc này.

+Sách tương tác, mình chia ra 2 loại nữa là

-> sách có cốt truyện đơn giản, giúp bé luyện lật mở (lift the flap) hoặc luyện quan sát

-> sách luyện kỹ năng Quiet Books / Activity Books, dạng sách luyện các kỹ năng vận động tinh cho bé như cột dây, gài nút, bóc dán, v.v… đi kèm với đếm số, ghép cặp (matching), đọc chữ, v.v… Đây không hẳn là sách, nhưng mà cũng vui. Hồi Q còn trong bụng mình cũng mần mò làm 1 cuốn cho Q, xong rồi bây giờ nó mất tăm mất tích đâu rồi.

(các loại sách vải được đề cập bên trên)

Giai đoạn này bé nào có sở thích đọc sách cũng có thể kiên nhẫn lắng nghe hết các câu chuyện ngắn Ehon cho lứa tuổi 0-3 rồi. Mình thích bộ Momo lắm. Hình ảnh đơn giản, không rườm rà nhiều chi tiết, màu sắc nhẹ nhàng. Nội dung rất ngọt ngào, giản dị, dùng từ láy, tình tiết và câu văn lặp đi lặp lại, bé nghe nhớ và học nói luôn. Mình thấy đa phần sách cho lứa tuổi này đều có cùng đặc điểm đó, như That’s Not Myhay sách dạng Peekaboo! (Ú à)

(1 ví dụ sách ú à (peekaboo))

1-2 tuổi:

Lúc này bé bắt đầu bập bẹ tập nói rồi. Những cuốn sách cũ, mình nghĩ vẫn phù hợp cho bé. Bạn có thể đọc thêm cho bé sách có nội dung dài hơn một chút, hình vẽ chi tiết hơn một chút, vẫn theo kiểu có cấu trúc lặp đi lặp lại, nhưng từ ngữ thì phức tạp hơn, để bé mở rộng vốn từ, tăng khả năng diễn đạt. Mình nhận thấy Q mình lúc 3 tuổi xài rất nhiều những từ học được trong giai đoạn này.

Bạn cũng có thể cho bé làm quen với sách đếm số hoặc tìm vật nữa. Một số tựa sách mình đọc cho Q lúc này gồm sách đếm số như: 1, 2, 3, 4 quả cà chua căng tròn, hay Cá vàng trốn ở đâu rồi nhỉ, Who ate it? (cuốn này mình mua secondhand, dễ thương lắm, để mình scan chia sẻ với các bạn), series Ai ở sau lưng bạn thế thuộc dòng Ehon cũng được trẻ yêu thích giai đoạn này. Các cuốn sách lật mở (lift-the-flap) cũng rất thú vị.

(sách lật mở (lift-the-flap))

2-3 tuổi:

Lúc này mình có thể đọc cho bé những cuốn sách có cốt truyện đơn giản, có cao trào một chút xíu, một xíu thôi nha, kiểu như nhân vật chính gặp chút khó khăn chưa vượt qua được. Còn cao trào như tình tiết chú dê con bị chó sói ăn thịt thì mình nghĩ bạn nên né nha, vì bé sẽ sợ lắm. Cũng nên tránh những truyện có tình tiết buồn, tất cả đều nên vui vẻ và kết thúc có hậu. Vui từ đầu tới cuối luôn á. Nhưng vẫn là sách có tình tiết lặp đi lặp lại và chứa ít chữ nha.

Giai đoạn này mình hay đọc cho con nghe truyện Ehon 3-6, series Tại sao tớ yêu…(bố/mẹ/ông/bà), sách về sự đối nghịch, ví dụ cao-thấp, mập-ốm, to-nhỏ, v.v.., và làm quen với sách sticker bóc dán. Có điều sách này hơi tốn tiền và không tái sử dụng được nên bạn cân nhắc. Mình thì có mua một số cuốn First Sticker Book của Usborne nhưng sau đó thấy xót tiền quá nên thôi, cho con bóc dán không có cốt truyện cũng được mà. Hoặc các cuốn sách pop-up khi mở ra sẽ có hình nhảy ra ví dụ như Dear Zoo (tựa tiếng Việt là Thân gửi sở thú) của Rod Campbell hay series sách pop-up book của Jack Tickle như The Very Ticklish Tiger hay The Very Happy Hen (mấy cuốn này vẽ hình đẹp trời ơi luôn, để mình cho bạn coi).

(bên trái: The Very Happy Hen & bên phải: The Very Ticklish Tiger)
(1 trang trong cuốn “Dear Zoo” (Thân gửi sở thú))

3-4 tuổi:

Giai đoạn này các bạn nào hay đọc sách sẽ bắt đầu làm quen với truyện có tình tiết cao trào hồi hộp một chút xíu xìu xiu thôi. Ví dụ như Cái mũi đen hay Làn hơi ấm của tác giả Lee Rury nè, có đoạn 2 mẹ con gấu mém chút nữa bị thợ săn bắn trúng. Rồi những series về việc thường ngày trong nhà như Henry thích phụ giúp, hay giải thích các sự việc hiện tượng của cơ thể như Chuyện xì hơi hay Tất cả đều đi ị (cuốn này vui lắm, mà không hiều sao Q mình chuyên canh giờ ăn cơm lôi ra kêu ba mẹ đọc không…).

Tuổi này bạn tha hồ chọn sách cho con đọc, ê hề luôn: Ehon 3-6, đồng dao (như Chuyện con gà của Thụ Nho và Phan Thành Đạt), series Farmyard Tales của Usborne, sách tô màu nữa. Mình tự vẽ cho Q tô luôn vì mình thích vẽ, với mình thích hình ảnh không có viền đen như hình tô màu truyền thống. Sách không có lời dẫn truyện như Ngủ ngon nhé khỉ đột của Peggy Rathman cũng hay, giúp bé tập diễn đạt. Mình cũng rất thích các cuốn sách của tác giả Sandra Boynton như Oh My Oh My Oh Dinosaurs (cuốn này hai mẹ con có dịch ra tiếng Việt hồi 2018 mà mình chưa khoe với mấy bạn nữa) hay Happy Hippo, Angry Duck, gieo vần rất dễ thương.

Từ giai đoạn này trở về sau, các bạn có rất rất nhiều lựa chọn về các đầu sách, mình không thể liệt kê nổi, bạn chỉ cần để ý lựa cuốn nào có tình tiết và cấu trúc lặp đi lặp lại, hình ảnh không quá nhiều chi tiết và màu sắc không quá tối là được.

(“Ngủ ngon nhé khỉ đột” – sách không lời dẫn truyện)

4-5 tuổi:

Lúc này bé bắt đầu được dạy cách chịu trách nhiệm về những quyết định của mình, ví dụ như không chịu ăn cơm thì phải nhịn tới bữa kế tiếp, bày bao nhiều món đồ chơi thì dẹp hết bấy nhiêu món đó, v.v… nên ngoài những cuốn sách vẫn đọc từ trước tới giờ, mình thấy bắt đầu đọc sách giới thiệu về ứng xử và nhận diện cảm xúc là phù hợp.

Chẳng hạn như: Học cách ứng xử qua ngụ ngôn của Quentin Gréban, hay Are You My Mother của P.D Eastman. Bộ sách dạy về kỹ năng sống của tác giả Julia Cook cũng rất hay, mình nêu tên 1 số cuốn như: Con không thích bị nói không, Con xin lỗi con đã quên xin phép, Không thể tin là con đã nói như vậy, v.v… Sách hài hước một chút cũng ổn, như Bò đánh máy của Doreen Cronin, hay Cuốn sách này vừa ăn mất con chó của tớ của Richard Byrne. Bé nào rành tiếng Anh có thể đọc series của bà Julia Cook mà mình vừa kể ở trên, hoặc series When I’m Feeling… của Trace Moroney

(series “When I’m Feeling…”)

5-6 tuổi:

Lúc này bé đã có thể tự đọc rành rẽ những cuốn sách đơn giản dựa vào trí nhớ hoặc tự ghép vần (với những bé theo giáo dục sớm) nên ba mẹ có thể mở rộng sang đọc sách chữ hoàn toàn cho bé.

Q mình thích động vật nên ba bé đã đọc cho bé những cuốn này: Chuyện chú mèo dạy hải âu bay, Chú ốc sên muốn biết tại sao nó chậm chạp, Có hai con mèo ngồi bên cửa số, Tôi là Bê-tô, series siêu hài hước của Toon Tellegen Sinh nhật ở rừng và những cuộc vui tưng bừng, Ở nơi xa tít mù khơi, Những lá thư nhờ gió gửi cho ai đó, Một cuộc phiêu lưu ra trò và rắc rối.

Tụi mình cũng đọc cho Q nghe cuốn Trạm thu phí quái lạ của Norton Juster. Cuốn này được dịch bởi dịch giả Lê Minh Đức, dịch siêu hay do sách này chơi chữ (puns) rất nhiều, và từ ngữ rất đa dạng, đồng nghĩa gần nghĩa cũng nhiều nữa. Mình hâm mộ cả tác giả lẫn dịch giả luôn, hỏi sao cuốn này thuộc list sách kinh điển dành cho thiếu nhi. Tuy nhiên cuốn này nếu bé chừng 7-8 tuổi hoặc hơn chắc sẽ thấy hứng thú nhiều.

7 tuổi trở lên:

Thiệt lòng mà nói mình chưa có nhiều kinh nghiệm cho lứa tuổi này nên chỉ chia sẻ dựa trên kiến thức mình có. Đó là tùy sự hiếu kỳ của bé mà ba mẹ chọn sách phù hợp. Có rất nhiều dòng sách:

+ Sách khoa học : Các sách như bách khoa toàn thư cho trẻ, sách viết về các chủ đề khoa học cụ thể, v.v…). Series Big Book of...(tựa tiếng Việt là Cuốn sách khổng lồ về) của Usborne rất phù hợp để bé tìm hiểu thêm về nhiều chủ đề như cơ thể, sinh vật huyền bí, tàu thuyền, v.v… NXB này cũng có rất nhiều đầu sách về khoa học như 365 Science Activities, The Usborne Book of Science Experiments, See Inside Science, v.v…

+Sách hoạt động: cách vẽ, cách nấu ăn, làm vòng tay, làm đồ thủ công, xếp giấy, v.v…

+Sách lịch sử: Việt Nam và thế giới như Lược sử nước Việt bằng tranh, series Who was của Roberta Edwards viết về các vĩ nhân thế giới, series The Story of the World của Susan Wise Bauer, A Little History of the World (tựa tiếng Việt là Lược sử thế giới) của E.H Gombrich dạy lịch sử như kể chuyện rất thú vị, và rất nhiều những cuốn khác của các NXB

+Sách truyện: cái này thì không thể không kể tới Chuyện cổ tích Việt Nam, Dế mèn phiêu lưu ký của Tô Hoài, Những giọt mực của Lê Tất Điều, Ngôi nhà trong cỏ của Lý Lan, Đất rừng phương Nam của Đoàn Giỏi, Quê nội của Võ Quảng, Kính vạn hoa của Nguyễn Nhật Ánh, các tác phẩm kinh điển như Hoàng tử Bé của Antoine de Saint-Exupéry, Những tấm lòng cao cả của Edmondo De Amicis, Gió qua rặng liễu của Kenneth Grahame, Totochan bên cửa sổ của Tetsuko Kuroyanagi, v.v… và các tác phẩm hiện đại hơn một chút như Lords of the Rings của J. R. R. Tolkien hay Harry Potter của J.K Rowling, Percy Jackson của Rick Riordan, Diary of a Wimpy Kid (tựa tiếng Việt là Nhật ký chú bé nhút nhát) của Jeff Kinney và rất nhiều những truyện khác.

Trang của trường Tre Xanh Steiner sau đây có chia sẻ cụ thể các tựa truyện (mình có thể thay bằng đọc sách) cho con ở các lứa tuổi khác nhau mà bạn có thể tham khảo.

Cuối cùng, không thể bỏ qua 2 cuốn mà mình tin là xương sống cho giáo dục con người Việt Nam, đó là Luân lý giáo khoa thư Quốc văn giáo khoa thư. Dù có thể có người coi nó là lỗi thời, nhưng cách đọc sách và chọn lọc như thế nào còn tùy vào mỗi cá nhân ba mẹ mà, đúng không?

Đọc sách

Có rất nhiều tài liệu viết về cách đọc sách cho con. Chung quy mình thấy có những điểm chung sau:

Để hình thành thói quen đọc sách:

  1. Ưu tiên giọng thực, tức là chính ba mẹ đọc cho con nghe thay vì để máy đọc. Tất nhiên nếu ba mẹ không rảnh thì có còn hơn không. Mình có chị bạn làm podcast với giọng đọc rất dễ thương ở kênh Youtube này. Bạn ghé nghe thử.
  2. Cho trẻ ngồi vào lòng, giữ sách ở khoảng cách 30-40 cm trước mặt.
  3. Giữ cho giọng vừa phải, không quá to, không quá nhỏ.
  4. Luôn tỏ ra hứng thú với việc đọc sách, vì con sẽ bắt chước bạn.
  5. Đối với trẻ nhỏ, đọc bất kỳ trang nào mà con lật tới, chấp nhận đọc đi đọc lại hoặc không theo thứ tự nhưng phải luôn giữ cho giọng đọc vui tươi như đọc lần đầu.
  6. Đối với trẻ nhỏ dưới 3 tuổi, không giả giọng quá dữ hay đáng sợ (do the voices) có thể khiến trẻ quá sợ hãi mà không nghe tiếp. Nhưng không có nghĩa bạn nên đọc giọng vô cảm đâu nha, chỉ là không quá cường điệu thôi mà.

Để duy trì thói quen đọc sách:

  1. Chọn các đầu sách phù hợp với độ tuổi và hứng thú của bé.
  2. Dành ra một thời điểm cụ thể trong ngày để đọc sách cùng con nếu con chưa tự đọc được.
  3. Dành ra thời gian đọc sách cố định cho con nếu con đã tự đọc được. Mình thấy đa phần ba mẹ hay chọn trước giờ đi ngủ. Bởi vậy con nít có quá trời bedtime stories luôn.
  4. Có thể đặt ra mục tiêu đọc bao nhiêu cuốn sách trong 1 năm và cùng đọc với con. Mình thấy cái này hay lắm luôn.
  5. Dành ra một buổi thảo luận một cuốn sách nào đó mà cả gia đình cùng chọn. Cái này dành cho trẻ lớn đã biết quan sát, nhận định và đưa ra ý kiến. Và nếu thực hiện được thì quá sức tuyệt vời. Như 1 kiểu câu lạc bộ sách (book club) vậy đó.

Hết rồi đó. Bài dài quá trời luôn. Nghĩ ra gì nữa thì mình sẽ thêm ý. Hoặc ai góp ý cho mình, thì mình sẽ chỉnh sửa bài.

Chúc các bạn tạo ra thêm nhiều con mọt sách nha.


Discover more from Mẹ Dạy Bé

Subscribe to get the latest posts sent to your email.

Leave a Reply