Mẹ Dạy Bé

Hôm nay có 1 người bạn qua nhà thăm 2 mẹ con mình. Bạn ngồi nói chuyện với mình thì nhìn thấy Q cầm sách lên và xé, mình quay sang giải thích cho Q là không được làm như vậy, nếu con thích xé giấy, mẹ sẽ đưa cho con giấy khác để xé, nếu xé sách, con sẽ không có gì để đọc nữa. Bạn hỏi mình tại sao không đánh vào tay Q. Mình nhận ra rằng hiểu về tâm lý trẻ, ở mức căn bản thôi, cũng là điều rất cần thiết khi tiếp xúc và dạy dỗ trẻ.

Bạn không phải là người thiếu hiểu biết. Ngược lại, bạn rất cấp tiến. Bạn đã hoạch định cách giáo dục cho con theo hướng tự lập và mạnh dạn, thành nhân và thành công. Nhưng bạn chưa tìm hiểu về tâm lý trẻ con. Nên sự nghiêm khắc của bạn bị áp dụng không đúng lúc và chưa đúng cách. Hồi xưa mình cũng vậy, mình tuy học về Sư Phạm nhưng mình không thuộc chuyên khoa Mầm non. Mình không có kiến thức về tâm lý trẻ, đặc biệt là giai đoạn ấu nhi. Sau khi đọc và tìm hiểu từ nhiều tài liệu và rút ra từ kinh nghiệm bản thân khi nuôi dạy Q (dù mới có 1 năm haha), mình gom góp lại được 1 vài điều để tâm niệm sau đây:

  1. Trẻ con dưới 3 tuổi chưa phân biệt được đúng – sai. Trong đầu chúng chỉ có yêu thích – không yêu thích, và nếu được giáo dục đúng cách, sẽ nhận biết được mối quan hệ nguyên nhân – hệ quả. Đơn giản vậy thôi. Cho nên đừng vội kết luận rằng con xé sách là hư, con không nghe lời là xấu. Phải nên kiên nhẫn giải thích và lập ra các nguyên tắc cho trẻ làm theo.
  2. Trẻ con không phản ứng không có nghĩa là chúng không bị ảnh hưởng bởi lời nói của người lớn. Khi bị la mắng hoặc nói xấu trước mặt quá nhiều, trẻ sẽ chai lì hoặc thu mình lại, dẫn đến việc ít chịu hợp tác với ba mẹ sau này.
  3. Trẻ con dưới 3 tuổi thích được hoan hô, khen ngợi, động viên. Điều này chưa thể khiến bé hình thành tâm trạng tự mãn, mà ngược lại, sẽ giúp bé trở nên yêu thích và hào hứng hơn với những gì ba mẹ muốn bé làm, hoặc thử những kỹ năng mới. Luôn luôn tỏ ra hào hứng, khen ngợi bé thật lòng. Nếu được, ôm hôn khích lệ.
  4. Trẻ con cần ít nghe những lời tiêu cực “không được thế này, không được thế kia” (mình vẫn còn mắc lỗi này, huhu). Thay vào đó, hãy tạo ra 1 môi trường thân thiện với bé, ít các mối nguy hiểm để bé có thể tự do khám phá. Lấm lem 1 chút, trầy xước 1 chút sẽ đem lại rất nhiều “chút” tự tin, quyết đoán và trưởng thành, dù ở lứa tuổi nhỏ nhất.
  5. Cho con đi chơi, đi dạo, đi xa càng nhiều càng tốt. Chỉ cần chú ý cho trẻ giữ ấm đầy đủ là được. Trải nghiệm nhiều, mau khôn lớn, biết nhiều, bớt nhát, tăng đề kháng, giảm nguy cơ bệnh tật.
  6. Quan trọng nhất, luôn chú ý đến cảm giác, cảm xúc của con. Đừng lấy góc nhìn và kinh nghiệm sống của mình là thước đo phán xét hành vi của trẻ. Bản thân mỗi người đã khác nhau, huống hồ tâm trí trẻ nhỏ làm sao bì với người lớn. Không có trẻ hư, chỉ có trẻ chưa được thấu hiểu và giáo dục đúng cách mà thôi.

Đây là những điều bản thân mình tâm niệm. Tất nhiên mỗi người có cách suy nghĩ và quan điểm riêng. Mình chỉ mong những kiến thức mình thu gom được và kinh nghiệm của mình có thể phần nào giải đáp những khúc mắc hoặc giúp bạn lời khuyên trong 1 số trường hợp nào đó.

Thương yêu.


Discover more from Mẹ Dạy Bé

Subscribe to get the latest posts sent to your email.

4 Comments

    1. Ráng ráng ráng làm mẹ hiền làm gương cho con. Ráng ráng ráng mẹ Cá ơi. Mẹ Chan cũng đang sửa mình từng ngày.

  1. quả thực là trẻ con là tấm gương phản chiếu hình ảnh của bố mẹ, 2 đứa cháu ở nhà t rất khác biệt nhau . 1 đứa thì lễ phép về chào hỏi, còn 1 đứa dạy hoài cũng chẳng khác biệt mấy . nói riết chán chẳng muốn nói

    1. Đúng vậy đó. Nên từ khi làm mẹ, mẹ Chan cố gắng chú ý lời nói và hành động hơn, cũng cố gắng làm gương cho mấy bạn con nít và tạo cảm hứng thay đổi cho mấy bạn lớn xung quanh luôn.

Leave a Reply