Khi còn nhỏ, đọc truyện về nhà bác học Lê Quý Đôn, mình đã vô cùng khâm phục trí nhớ siêu phàm của ông khi chỉ nhìn thoáng qua 1 lần các dữ kiện đã có thể thuộc nằm lòng. Lớn lên, khi xem series “Suits” và chứng kiến anh chàng Michael Ross với “trí nhớ hình ảnh” ấn tượng, mình vẫn cho rằng đó là nhưng gì xa vời và hiếm gặp. Cho đến khi tìm hiểu về các phương pháp giáo dục sớm, mình mới biết bản thân đã sai lầm. “Trí nhớ hình ảnh” hoàn toàn có thể được luyện tập và phát huy từ khi còn nhỏ, với những kích thích phù hợp lên não phải. Giáo sư Shichida đã viết rất nhiều về điều này. Mình lược dịch từ đây.
Trong 1 cuốn sách của mình, Giáo sư Shichida đã viết rằng não phải có cơ chế hoạt động với “tốc độ cao và khả năng ghi nhớ rất nhiều”. Não trái chuyển đổi thông tin từ thế giới bên ngoài thành ngôn ngữ. Điều này đòi hỏi “xử lý tuần tự” khi thông tin được xử lý từng chút một. Hoạt động này rất tốn thời gian. Não phải xử lý thông tin rất nhanh theo dạng hình ảnh. Não trái và phải cũng khác nhau về dung lượng ghi nhớ và thời gian lưu trữ thông tin. Theo ông Shichida, não trái liên tục loại bỏ thông tin cũ để lấy chỗ cho thông tin mới trong khi não phải không bao giờ xóa thông tin. Do đó, Giáo sư Shichida nói rằng “trí nhớ chụp hình” là 1 chức năng thuộc não phải. Chúng ta có thể xem não trái như ổ nhớ RAM của máy vi tính, còn não phải như ổ cứng lưu trữ không giới hạn và không tẩy xóa vậy.
Trong cuốn “Trẻ sơ sinh là Thiên tài”, Shichida gọi não phải với 1 tên khác là “não hình ảnh”. Đây là phần não có khả năng sáng tạo hình ảnh trong trí óc từ những thông tin lưu trữ trong các tế bào cơ thể, đồng thời là các tế bào tạo tiền đề cho khả năng ngoại cảm.
Trí nhớ hình ảnh cho phép khả năng truy cập tức thời những thông tin ghi lại trong não. Một người với trí nhớ dạng này có thể nhớ lại thông tin từ bất kỳ cuốn sách nào họ từng đọc hay 1 trang đã nhìn qua. Mỗi trang có thể được “nhìn thấy” trong não họ dưới dạng 1 bức ảnh.
Bởi vì bán cầu não trái và phải có chức năng đối nghịch nhau nên chúng cũng bổ trợ cho nhau. Não trái có ý thức và suy luận logic, thu nhận thông tin 1 cách chậm rãi và thích sự lặp lại. Não phải vô thức, hoạt động theo trực giác và ghi nhận thông tin nhanh chóng.
Giới thiệu thông tin 1 cách chậm rãi và lặp đi lặp lại giúp luyện tập não trái, trong khi đưa thông tin thật nhanh kích thích và kích hoạt chức năng của não phải. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng trẻ em được hưởng lợi khi các bài học áp dụng thẻ thông tin để giới thiệu các khái niệm như ảnh ghi âm, từ vựng, chấm tròn học Toán, v.v.. diễn ra một cách vui vẻ, thoải mái và ngắn gọn, khi các thẻ được tráo thật nhanh.
Trong cuốn “Phát triển trí lực và tài năng trẻ nhỏ” của mình, Shichida đã nói rõ từ 0-3 tuổi là giai đoạn thu nhập thông tin của não phải, 3-6 tuổi là khi những thông tin đó được não trái xử lý và ứng dụng. Do đó, từ khi trẻ còn rất nhỏ, ba mẹ đã nên tạo càng nhiều kích thích lên não trẻ để lợi dụng sự ghi nhớ tối ưu này cũng như giúp hình thành càng nhiều đường dẫn giữa 2 bán cầu não càng tốt. Khi đó, trẻ lớn lên sẽ không gặp khó khăn trong chuyện học tập, đồng thời vẫn tiếp tục phát huy tinh thần ham học hỏi vốn mang tính bẩm sinh.
(Nguồn ảnh: Internet)
Discover more from Mẹ Dạy Bé
Subscribe to get the latest posts sent to your email.
cho mình hỏi, nếu chơi thẻ flashcard với con thì mỗi lần tráo bao nhiêu thẻ vơi trẻ 4, 5 tháng và việc lập lại như thế nào và trong bao lâu. Vì mình đc 1 ng bạn chỉ rằng 1 ngày tráo 200 thẻ từ đơn cho con và tráo 1 lần/ngày vào 1 giờ nhất định, và lặp lại mỗi ngày ít nhất là 4 tháng. trong khi mình tìm hiểu pp glenndoman thì k tráo thẻ cũ lại, mỗi ngày bỏ ra 1 thẻ cũ thêm thẻ mới, k lặp lại các thẻ đã học. mình hoang mang quá, dù biết là chơi thôi nhưng sợ đi sai pp sẽ k tốt cho con, nên mong bạn tư ván giúp nhé. cảm ơn bạn nhiều lắm
Chào bạn. Rất xin lỗi vì mình đã để thật lâu mới trả lời. Mình hoàn toàn không có thời gian vào blog luôn.
Theo mình được biết thì Shichida flash ở giai đoạn 4-5 tháng chỉ có hình, đến khoảng hơn 1 tuổi thì mới giới thiệu chữ. Bé bạn hiện giờ chắc khoảng 8-9 tháng. Bạn flash 1 ngày 150-200 thẻ cho bé, bao gồm khoảng 10-15 chủ đề (không có mặt chữ, chỉ có hình). Trong thời gian đó, cứ sau 2 tuần bạn đổi vài chủ đề (ví dụ, chủ đề LOÀI VẬT thì thay Động vật trên cạn bằng Chim) Sau khoảng 1 tháng bạn có thể thay đổi khoảng 50% chủ đề. Theo mình nhớ là như vậy. Thỉnh thoảng bạn có thể quay lại 1 vài chủ đề cũ cũng không sao.
Mình nghĩ bạn cứ tráo thẻ cho bé thôi, bé chán quay đi thì bạn đổi chủ đề, quay lại sau. Đừng quá lo lắng nha.
Chúc bạn thành công.
Chào chị, Em rất vui vì biết đến trang web của chị vì có rất nhiều thông tin bổ ích cho người mẹ lần đầu nuôi con như em. Em đang tìm hiểu về Viện Shichida Việt Nam và nhận thấy sự kích thích não phải rất quan trọng trong thời kỳ vàng của bé nên em muốn xin chị ý kiến về việc cho bé nhà em 13m theo học tại Viện vì học phí của Viện khá cao nên em phân vân không biết chất lượng đào tạo có được như mình mong đợi không ạ. Chị vui lòng cho em xin ý kiến với ạ. Em cám ơn
Chào bạn. Mình cũng rất xin lỗi vì trả lời bạn lâu quá chừng.
Theo mình biết thì học phí ở Viện cao trong đợt đóng đầu nhưng sau đó sẽ có giảm giá. Mình nghe được rằng Viện làm vậy để đảm bảo Ba Mẹ có thể vượt qua được gia đoạn đầu đó để đi hết với con đến cùng. Bé của mình học những khóa sau, học phí chỉ còn một nửa thôi 🙂