Hôm nay mình muốn bàn về một hoạt động đừng nên bỏ qua trong giảng dạy, nhất là trong lớp học Waldorf, đó chính là Sinh hoạt Vòng tròn, tên tiếng Anh là “Circle Time”.

Sinh hoạt vòng tròn (Circle Time) là gì?

Trước khi vào dạy ở trường Waldorf, mình thường nghĩ rằng Sinh hoạt Vòng tròn là tất cả cùng ngồi trong vòng tròn và chơi games, giống như mấy buổi sinh hoạt chung, chơi đùa ngoại khoá “Vòng tròn có một cái tâm, cái tâm ở giữa vòng tròn…” hoặc “Một ngón tay nhúc nhích nào, một ngón tay nhúc nhích cũng đủ làm ta vui rồi“.

Khi bắt đầu dạy mầm non ở VUS, mình nghĩ Sinh hoạt Vòng tròn là cô trò cùng ngồi bệt trên đất, trong vòng tròn, hát múa, kể chuyện và học qua trò chơi.

Khi bắt đầu dạy ở trường Waldorf thì mình mới vỡ lẽ ra rằng Sinh hoạt Vòng tròn mang nhiều ý nghĩa hơn vậy, và được dùng để áp dụng nhiều các hoạt động khác nhau. Nó là thời gian tất cả thành viên ngồi lại với nhau, cùng chơi, cùng hát, kết nối và học hỏi.

Tại sao nên có Sinh hoạt Vòng tròn (Circle Time)?

Sinh hoạt Vòng tròn không phải là thứ gì mới mẻ trong giảng dạy. Thực ra từ hồi còn nhỏ, mình đã luôn được các cô mầm non cho ngồi trong vòng tròn để học hát, nghe kể chuyện và đọc thơ, hầm bà lằng các thứ luôn rồi. Tự nhiên lớn lên, đi học tiểu học rồi trung học, ngồi ghế và tập viết trên bàn, mình quên luôn việc đã từng được học như vậy.

Trong rất nhiều mục đích của việc ngồi thực hành chung trong một vòng tròn, mình thấy quan trọng nhất, là để xây dựng và cải thiện, phát triển sự kết nối giữa các thành viên; và để khuyến khích những trẻ còn chậm trong lớp một cách tự nhiên nhất .

Sự kết nối

Khi ngồi trong vòng tròn, trẻ sẽ cảm thấy mình là một phần của tập thể, bình đẳng với tất cả các bạn. Khi cùng nắm tay đọc một bài thơ, hát một bài hát, tất cả trẻ trong vòng tròn đêu hoà chung một nhịp, điều này tạo nên sự nhịp nhàng và kết nối với nhau (Cá nhân mình cảm nhận điều này sâu hơn khi đứng trong vòng tròn và hát đuổi theo 2, 3 bè.) Giáo dục Waldorf tin rằng, khi có sự hoà hợp đồng điệu, các thành viên trong vòng tròn sẽ cảm nhận được sự toàn vẹn, đồng nhất, và trật tự thiêng liêng của vũ trụ.

Khuyến khích, Động viên trẻ

Gần như tất cả các hoạt động vòng tròn đều đòi hỏi sự tham gia của tất cả các thành viên, bao gồm những trẻ còn nhút nhát, hoặc chưa nhanh bằng các bạn. Việc cùng làm, hoặc làm theo thứ tự trong vòng tròn sẽ khiến các bạn này bắt buộc phải tham gia, và cũng cho bạn thấy rất nhiều ví dụ từ các bạn của mình, cho bạn đủ thời gian để chuẩn bị đến lượt của mình. Nên là, khi hỏi – đáp trong vòng tròn, mình hay bắt đầu từ những bạn khá, giỏi trong lớp trước.

Còn đối với những hoạt động tập thể đòi hỏi sự nhịp nhàng như vỗ tay, chuyền túi đậu, chuyền que, v.v… thì trẻ cũng có cơ hội thực hành chung với các bạn, và học hỏi ngay từ thực tế. Mình được nói, và cũng nhận ra rằng, khi ngồi cùng nhau, làm cùng nhau, thì các thành viên sẽ rơi vào cùng “tần số”, các bạn nhỏ sẽ dễ dàng bắt kịp bạn mình hơn.

Làm hoạt động nào trong Sinh hoạt Vòng tròn (Circle Time)?

Trời ơi, nhiều vô số kể!

Mình tạm chia làm 2 nhóm: ChơiHọc tiếng Anh. Trong bài này, mình sẽ nói về CHƠI trước.

Chơi

Đầu tiên là CHUYỀN TÚI ĐẬU.

Cái này lúc nhỏ ba mình có cho chơi tương tự: chuyền nón “Nào cùng chuyền, chiếc nón trên tay ta chuyền, chuyền cho đều, chuyền cho khéo. Anh ơi, nếu sai thì mời anh ra.”

Đến khi đi dạy trường Waldorf mình mới biết ở đây mọi người chơi chuyền túi đậu. Và không có ai bị mời đi ra khi làm sai hết, sai thì làm lại thôi à.

Trong lớp có túi đậu be bé cỡ lòng bàn tay, nhồi đậu rang khô để cầm chắc tay. Các bạn ngồi trên sàn, vừa đọc thơ hoặc hát, vừa chuyền túi đậu trong vòng tròn, bắt đầu làm quen bằng 1 túi, sau đó chuyền nhiều túi luôn. Trong trường ĐX có cô Thanh mình thấy là trùm trò này, do cô giữ nhịp rất tốt, quan sát tốt (biết mắc kẹt ở đâu do ai bị lỗi nhịp), và đặc biệt là hướng dẫn tốt.

Muốn chơi trò này, đầu tiên trẻ phải nắm được tiết tấu của bài thơ hoặc bài hát, giáo viên sẽ bắt đầu bằng việc yêu cầu trẻ vỗ tay. Đối với trẻ mới bắt đầu, tay khi vỗ không để đứng như thông thường mà đặt sấp – ngửa, lưu ý trẻ tay phải nằm trên, tay trái nằm dưới. Sau đó hướng dẫn trẻ đưa 2 tay ra 2 bên để chạm vào tay bạn, 2 bàn tay vẫn giữ sấp ngửa như ban đầu, mục đích là giả cách đang chuyền túi đậu (tay phải cầm túi chuyền đi, tay trái nhận) Cứ hát và vỗ tay, chạm tay như vậy cho đến kh giáo viên thấy ổn thì bắt đầu lấy túi trong rổ ra và chuyền đều trong vòng tròn.

Khi tất cả đã có túi rồi, thì giáo viên có thể sáng tạo rất nhiều biến thể, hoặc chuyền trong vòng tròn theo một cách khác, hoặc chuyền theo cặp, hoặc dùng để minh hoạ một bài hát, bài vè nào đó, v.v…

Một số biến thể của trò này còn có kết hợp với vỗ tay, đổi đặt túi lên đùi, đặt túi xuống sàn, thảy túi lên không trung, v.v… Ví dụ như trong clip này:

Còn ở đây, bạn có thể xem được nhiều trò với túi đậu, ở các cấp độ khó dễ, trong một buổi họp nhóm của các giáo viên Waldorf:

Diễn đạt bài vè, bài hát:

Tiếp đến là HÁT, VỖ TAY, GIẬM CHÂN

Trò hát hò này, mình biết được một vài singing games để dạy tiếng Anh rất rất dễ thương và vui ơi là vui mà mình sẽ share sau.

Còn ở đây là chuyển động thôi nè. Circassian Circle là một điệu nhảy vòng tròn phổ biến ở nhiều nước phương Tây lắm:

Còn đây là trò vỗ tay trong vòng tròn nhưng theo dạng bè đuổi, vui tai lắm lắm, trò đầu tiên trong clip này nha:

Mình nhớ các thầy cô trong trường ĐX cũng chơi trò vỗ tay tương tự như vầy, nhưng hơi khác chút ở chỗ, thay vì bè đuổi cùng nhịp (tempo) thì họ kết hợp nhiều nhịp khác nhau trong cùng 1 bài, sau đó sẽ vỗ tay theo bè đuổi, vô hình chung sẽ thành 1 giai điệu với nhiều nhịp khác nhau, rất thú vị.

Như bạn thấy đó, những trò ở trên thuần mục đích để trẻ chơi, hoà mình vào giai điệu, phối hợp với bạn bè, không phải để dạy chữ hay dạy kiến thức gì cả. Tất cả chỉ nằm ở cảm nhận và kết nối với nhau thôi.

Học

Học cũng chia làm 2 dạng, vận động để học, và dùng tiết tấu, nhịp điệu để học. Mình chia ra làm singing games và circle games.

Bạn đọc ở phần tiếp theo nha.

Chúc các bạn tìm được nhiều thứ hay ho để áp dụng. Nếu được, hãy chia sẻ với mình nha.

Chan

Nguồn ảnh minh hoạ: https://lifewithababy.com/event-3705179


Discover more from Mẹ Dạy Bé

Subscribe to get the latest posts sent to your email.

2 Comments

  1. Đợi chị Trang ra bài sau ạ! Cảm ơn chị nhiều. Các bài viết đều rất dễ thương và thú vị.

Leave a Reply