Mẹ Dạy Bé

Lúc mình học Tiếng Anh lần đầu là 3 tuổi. Thời đó, việc 1 đứa bé 3 tuổi chui vô lớp Tiếng Anh ngồi là chuyện không giống ai, và không ai cho rằng nó là phù hợp. Trường hợp của mình đã chứng minh…điều đó đúng (Buồn ghê.). Không phải vì mình quá nhỏ, mà vì phương pháp dạy và cách tiếp cận chưa phù hợp. Chưa kể ba mẹ mình không lobby trước cho mình, đùng 1 cái xách cổ mình quăng vô lớp ngồi học chung với mấy anh chị 5-8 tuổi. Thiệt hãi hùng. Mình khóc hết nước mắt.

Sau đó mình quay lại với sự nghiệp học ngoại ngữ vào năm lớp 2, tức sau 4 năm. Lần này mình không khóc nữa, mà chuyển sang ngủ. Cuốn Streamline dày cộm, mấy câu giao tiếp cho người “già cằn cỗi”, rồi nào là “danh từ, động từ, tính từ, hầm bà lằng. Trời ơi Tiếng Việt mình còn chưa hiểu nó là gì. Tới lớp 4 thì mình đã tới cuốn Streamline 3, tức là còn cuốn Destination nữa thôi là mình về đích đó. Nhưng mà kiến thức Tiếng Anh của mình lộn xộn, hổng tùm lum, xài tá lả. Quan trọng hơn là mình sinh ra nỗi sợ ngôn ngữ này kinh khủng. Sợ luôn trường ĐHSP, sợ luôn con đường tới trường. Nỗi sợ này chỉ tạm dừng khi mình ngưng vào năm lớp 4 và thực sự chấm dứt khi mình học lại vào lớp 8.

Như vậy, cách tiếp cận không phù hợp trong giảng dạy ngôn ngữ, cộng với kiến thức chưa đủ gây hứng thú cho con sẽ khó mà giúp con đạt được thành quả gì dù cho cha mẹ cố gắng thật nhiều.

Khi có Q, mình đã xác định sẽ cho con tiếp cận Tiếng Anh từ sớm. Nhưng sớm là khi nào? 3 tuổi hay 5 tuổi? 1 tuổi hay 2? Quyết định cuối cùng là từ trong bụng mẹ. Q may mắn là có mẹ dạy Tiếng Anh, nên con thường xuyên được “lên lớp” chung với mẹ khi còn nằm trong bụng mẹ. Mình cũng thường xuyên tâm sự và đọc sách cho con nghe bằng Tiếng Anh. Khi Q ra đời, mình thử nhiều cách và cuối cùng chọn làm theo cách riêng của mình để con có thể học ngoại ngữ này 1 cách thuận tự nhiên nhất.

Mình nhận thấy các ba mẹ thường chọn dạy con theo 2 cách phổ biến sau:

-1 là hoặc ba hoặc mẹ, 1 người chuyên nói ngoại ngữ và 1 người chuyên nói tiếng mẹ đẻ, ở đây là Tiếng Việt. Bé sẽ lớn lên như các em bé lai, nói thạo 2 ngôn ngữ. Tuy nhiên cách này có khuyết điểm là bé chỉ nói tiếng nào với người đó mà thôi. Ví dụ bé chỉ nói Tiếng Anh với ba và Tiếng Việt với mẹ. Điều này gây ra do bé đã hình thành liên kết giữa ba mẹ và ngôn ngữ, mặc định cho mỗi người 1 ngôn ngữ riêng. Điều này cũng đôi khi khiến bé không thích nói tiếng Anh với người mà bé cho rằng không biết tiếng Anh (do bé chưa hoặc ít nghe người đó nói).

-2, cách này đỡ “mệt” hơn, là quăng cho bé cái máy tính bảng hoặc điện thoại, có chế độ chặn quảng cáo hoặc clip xấu, có thể cho bé coi thả giàn hoặc quy định thời gian. Bé học theo các nhân vật hoạt hình trong chương trình hoặc kênh giải trí đó. Cách này giúp bé nói trôi chảy và rất chuẩn về phát âm. Tuy nhiên, lợi bất cập hại, bé dễ sinh ra nghiện công nghệ, thiếu tương tác, ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe và tinh thần. Các bé dưới 2 tuổi lại càng không được khuyến khích tiếp cận thiết bị công nghệ như vậy.

Vì những điều trên nên mình chọn làm theo cách của mình. Đó là, mình sử dụng song song 2 ngôn ngữ trong giao tiếp hằng ngày, với bé và cả người xung quanh. Điều này giúp bé hiểu được rằng không có khác biệt trong việc sử dụng ngôn ngữ với người xung quanh. Và bé không liên kết ngườibnào với ngôn ngữ nào, hễ ai nói tiếng nào thì bé sẽ trả lời bằng tiếng đó. Đồng thời, mình cố gắng tránh “trộn” ngôn ngữ (Đây là thói quen không hay nhưng lại dễ mắc phải của những người sử dụng song song 2 thứ tiếng. Nếu bạn có dịp nghe những người như vậy nói chuyện, bạn sẽ thấy họ hay chen 1 vài từ nước ngoài vào câu nói của họ. Tụi mình không phải đang làm màu đâu, nhưng do thói quen ngôn ngữ bị ảnh hưởng từ việc suy nghĩ trực tiếp từ ngoại ngữ đó.) Khi đang dùng Tiếng Việt, mình sẽ nói Tiếng Việt luôn, còn khi lỡ bật ra Tiếng Anh, thì mình sẽ nói tiếp bằng Tiếng Anh. Như vậy, mạch ngôn ngữ của con sẽ không bị xáo trộn, tạo tiền đề tốt cho việc tập nói sau này.

Kết quả là Q của mình hiện giờ 15 tháng, nghe hiểu tốt Tiếng Anh và Tiếng Việt ở mức độ từ vựng cơ bản trong giao tiếp hằng ngày, nhiều hơn 1 chút ở chủ đề Động Vật do bé thích, ở vận tốc nhanh cho cả 2 ngôn ngữ do mình có thói quen nói nhanh, và tương tác tốt với bất kỳ ai nói thứ tiếng nào (ý mình là Anh hoặc Việt á), không phân biệt khi chuyển từ ngôn ngữ này qua ngôn ngữ khác.

Bên cạnh đó, 1 công cụ hỗ trợ đắc lực và không thể thiếu cho việc dạy ngôn ngữ là sách. Bé nên được nghe ba mẹ đọc sách từ thật sớm, bắt đầu bằng sách tranh khổ to, nhiều màu sắc, ít chữ và có xu hướng lặp đi lặp lại. Từ từ sẽ chuyển qua sách nhiều chữ hơn và cuối cùng là sách tuyền chữ, giúp bé tăng trí tưởng tượng. Khi nào có thời gian, mình sẽ chụp tủ sách mini của Q cho các bạn tham khảo nha.

Dạy con là 1 quá trình lâu dài và luôn cần cập nhật, thay đổi cho phù hợp tình hình và quá trình trưởng thành của con. Mình chúc các bạn gặt hái được nhiều quả ngọt từ lòng kiên nhẫn và tình yêu thương cho các mầm non bé bỏng, tương lai của đất nước.

2 Comments

  1. Bạn có thể liệt kê danh sách các loại sách mà bạn đã đọc cho con bạn bằng tiếng anh để các mẹ học theo không?

    1. Chào bạn, xin lỗi vì mình trả lời trễ nha.
      1 số sách mình đọc cho Q gồm:
      -That’s Not My Tractor
      -That’s Not My Kitten
      -Pig On a Dig
      -Good Morning, Muffin Mouse
      -The Best Easter Egg Hunt Ever
      -The Ugly Duckling
      -The Big Book of Big Animals
      -The Animal Noises
      -Animal Stories for Little Children
      -The Nose that Knows
      -Everybody Loves Butterfly
      -All the Litlle Fathers
      -The Very Hungry Caterpillar
      -Hop On Pop
      -Fox in Socks
      -Are You My Mother?

      Bạn có thể tìm mua sách của Usborne hoặc Dr. Seuss để đọc cho bé. Mình hay mua sách ở Fahasa hoặc nhà sách Newton ở quận 7. Có lúc mình canh mua ở mấy group của người nước ngoài trên Facebook như Buy and Sale in Saigon.
      Chúc bạn kiếm được nhiều sách hay cho bé nha.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *