CHÚ Ý: Nút áo nhỏ, vừa tay và cũng vừa … miệng với bé, nên Ba Mẹ cần ở bên cạnh con toàn thời gian để đảm bảo con không bỏ nút vô miệng hoặc mũi (như mình hồi nhỏ, hic). Tốt nhất nên dặn đi dặn lại bé từ khi còn rất nhỏ rằng trước khi bỏ bất cứ thứ gì vô miệng, bé cần hỏi ý Ba Mẹ. Nhấn mạnh cho bé về sự nguy hiểm gây ra khi bị hóc nút áo. Mình đã áp dụng với Q và khá thành công. Bắt đầu dặn dò từ khi 6 tháng và khi 1.5 tuổi thì anh ấy đã không bỏ gì vào miệng ngoài đồ ăn.
Nút áo nhiều màu sắc, coi vậy chứ làm được nhiều thứ lắm nha.
Luyện kỹ năng vận động, cảm nhận, khả năng quan sát:
-Bé nhỏ học cách nhặt nút áo, cầm nắm cảm nhận bề mặt khác nhau của các loại nút, lồi, lõm, có gờ, hoa văn, v.v… Lớn hơn 1 chút, bạn có thể cho bé nhắm mắt chạm vào 1 nút, sau đó cho bé nhìn để đoán giữa 2 nút xem mình vừa chạm vào nút nào. Điều này giúp tăng khả năng cảm nhận xúc giác đồng thời kích thích trí tưởng tượng cho bé.
-Ngoài ra còn học cách nhặt nút áo từ đáy thau nước, hoặc quan sát cách nút áo chìm vào trong nước, nút nặng chìm trước, nhẹ chìm sau. Bạn có thể kết hợp với nhiều loại vật liệu khác như sỏi, lá, hoa, hòn bi, thuyền giấy, v.v…
-Và học cách đặt nút áo theo hình có sẵn: ví dụ như xếp nút thẳng hàng trên 1 đường ngang, đường thẳng, đường chéo, zigzag, chữ thập, uốn lượn, v.v…
Học phân loại nhóm:
-Bạn cho bé tập phân loại nút áo theo màu sắc, kích cỡ, kiểu dáng.
Làm thủ công:
Bé học dán nút áo trang trí hình tròn, hình vuông, hoặc quần áo, giày dép. Bé nhỏ thì dán lên giấy, bé lớn 1 chút, khoảng 4-5 tuổi thì dán trực tiếp lên quần áo, giày dép thật luôn (dùng keo nến). Bạn sẽ ngạc nhiên về sức sáng tạo của bé đó.
Học toán:
-Đếm số:
Bạn cho bé tập đếm từ 1-5, sau đó là 1-10, 1-20 và tiếp tục. Bạn cũng có thể dạy bé đếm theo 2 đơn vị, 5 đơn vị, 10 đơn vị.
-Chữ số: (như 1 bước thực hành và ôn tập. Phần giới thiệu mặt số nên được tiến hành với số in/viết sẵn trên giấy hoặc vải để bé được “nhập liệu” hình dạng đúng của số)
Bạn dạy bé nhận diện chữ số bằng cách xếp nút áo thành số đó, sau có thể khuyến khích bé tự xếp số theo hướng dẫn hoặc ý thích.
-Hình học:
Bạn xếp nút áo thành các hình tròn, vuông, tam giác, bình hành, v.v… để bé học nhận diện các hình dạng, sau đó khuyến khích bé tự xếp thành hình Ba Mẹ yêu cầu hoặc hình bé thích.
-Học quy luật:
Giúp kích thích khả năng suy luận logic của bé. Quy luật cơ bản nhất gồm A và B, chia ra thành các trường hợp AB, AAB, ABA, ABAB, và AABB. Mở rộng ra có thể thêm C và D, E, tùy khả năng của bé. Ở đây, với nút áo, bạn có thể chọn A và B là màu sắc, hoặc kích cỡ, hay kiểu dáng.
Học tự do
Bạn cho bé thoải mái xếp nút áo theo cách mình muốn, sau đó nói cho bạn nghe về “tác phẩm”. Nếu bé chưa thể tự trình bày hoàn chỉnh, bạn có thể giúp bé bằng cách đặt câu hỏi mở như: “Con làm hình gì vậy?” “Đây là gì? Nó dùng để làm gì?” “Thứ này đang ở đâu? Có ai ở trong/xung quanh đó không?” Cố gắng gợi mở cho bé tưởng tượng và trả lời, bạn chú ý tránh áp đặt suy nghĩ hoặc phỏng đoán của mình lên câu hỏi, nếu muốn bạn có thể đặt câu hỏi “Nếu…thì sao?” để nghe bé giải thích góc nhìn của mình. Tuyệt đối tránh chê cười bé, dù những gì bé nói có thể hơi vô lý và mắc cười, do điều này sẽ làm giảm tự tin và có thể ảnh hưởng khả năng tưởng tượng của bé.
Vài gợi ý nho nhỏ về cách dùng nút áo để dạy học. Chúc các bạn chơi vui với con.
Nguồn: Tổng hợp
Discover more from Mẹ Dạy Bé
Subscribe to get the latest posts sent to your email.