Mỗi cuối năm, mình tổ chức cho học trò diễn kịch và mời ba mẹ đến xem.

Để chuẩn bị cho vở kịch đó, cả cô lẫn trò phải chuẩn bị trước cả 4-5 tuần. Lớp càng nhỏ, chưa được học đọc, các bạn càng phải cố gắng trong việc lắng nghe và ghi nhớ từng câu, từng chữ cô nói để có thể lặp lại, và diễn cho ra vai.

Hôm qua là ngày cuối cùng, lớp Hai của mình diễn.

Lớp đó mình gọi là lớp “Hợp Chủng Quốc Huê Kỳ” vì trong lớp có kha khá các bạn không phải thuần Việt Nam. Việc một lớp có tới mấy bạn “có yếu tố nước ngoài” thì không mấy phổ biến ở môi trường giáo dục “quốc nội” này của mình. Khỏi phải nói, tụi nó đa dạng, sinh động và phóng khoáng lắm! Thêm vào đó, một số bạn Việt lại có năng khiếu về ngôn ngữ. Vậy nên tiếng Anh lớp này đa phần vù vù vèo vèo luôn!

Kịch có mỗi 15 phút thôi, và có đủ ca hát đọc thơ trong đó. Mình cố tình sắp xếp để ai cũng được cất giọng “solo” một đoạn hết. Trước là để các bạn tự tin toả sáng, sau là để ba mẹ mấy bạn hãnh diện tự hào.

Mình chọn 1 trong số các bạn tự tin nhất, giọng đọc trong trẻo rõ ràng để là người dẫn chuyện đầu tiên. Bạn là một trong số “alpha” của lớp – năng nổ, nhanh trí, chủ động. Chỉ cần cô nói một chút là hiểu, lúc nào cũng nhắc nhở các bạn ghi nhớ và làm theo.

Bạn có cặp mắt tròn xoe, trong veo, nước da trắng ngần, chóp mũi tròn, tay chân đều tròn trịa và hai cái răng thỏ rất dễ thương. Bạn có một “bộ sưu tập” quần áo bằng linen cưng lắm, mỗi ngày đi học sẽ mặc một màu. Bạn được mẹ để tóc ngắn, mái bằng nhìn như một em búp bê vậy. Mình để ý tóc bạn gần như lúc nào cũng bết vì đổ mồ hôi đầu, lâu lâu lại hay than nhức đầu, đau bụng.

Mình chọn lớp Hai diễn đầu tiên, mở màn cho một loạt 4 “show” kịch của mình, vì các bạn đã nhanh chóng thuộc thoại, hát và đọc thơ đều tốt. Dè đâu, lớp bị bệnh hàng loạt, phải nghỉ mất 1 tuần, thành ra lại phải diễn vào ngày cuối cùng của năm học, lúc 11 giờ trưa.

Ngày công diễn, cả lớp không có lấy được 1 phút để tập dượt lại, vì vắng 2 bạn nên cả cô lẫn trò phải dành 20 phút hiếm hoi ngồi cùng nhau sắp xếp lại vai. 2 bạn nam và 1 bạn nữ xung phong “trám” vào vị trí bị hổng. 3 bạn nhỏ đó, bạn nữ thì giỏi nhất lớp và sẵn sàng giúp đỡ tất cả; một bạn nam thì hay mơ màng suốt giờ học, lúc nào cũng cần cô nhắc tên, kéo về thực tại; bạn còn lại thì “non xèo” như em bé, hay dễ khóc và còn nhút nhát lắm. Mình nhớ bạn “em bé” lúc giơ tay xung phong thế bạn mình, đã nói “Con cũng sợ lắm nhưng thôi để con làm cho”.

Mình rưng rưng trong lòng luôn. Dễ cưng gì đâu, tụi nhỏ này!

Diễn xong, cô chủ nhiệm thay mặt mời ba mẹ lên sân khấu chụp hình với con, còn mình thì lủi đi chỗ khác. Đợi vãn chút, mình mới ra thì thấy giáo viên dạy Nấu Ăn đang dỗ bạn nhỏ “búp bê” nín khóc. Bạn không chịu. Mình chạy tới hỏi han, bạn không trả lời, chỉ nấc không thành tiếng. Mình ôm bạn vào lòng, ráng trò chuyện để an ủi bạn mà chưa thành. Nên mình xin giáo viên chủ nhiệm cho bạn ngồi với mình trên hội trường thêm một chút.

Ba mẹ và bạn bè đã đi hết.

Bạn mới nói với mình, từng chữ bật ra nghẹn ngào giữa những tiếng nấc, từng giọt nước mắt trong veo rơi không ngừng. Mình cố lắng nghe, chỉ được mấy tiếng “Mẹ con…ba con…không tới…”

Lớp cũng có hai bạn nữa không có ba mẹ đến xem kịch. Nhưng chỉ mỗi bạn là khóc, khóc nấc.

Bạn nhỏ này cũng là bạn không có tấm hình gia đình…

Sau tấm màn sân khấu, dưới ánh nắng hắt qua kính cửa sổ, mình nhìn từng giọt nước mắt lấp lánh tuôn rơi như mưa. Mình ôm bạn nhỏ trong lòng mà ráng nén nước mắt cứ chực trào ra. Kiếm từ mà dỗ dành, kiếm chuyện mà an ủi, rằng kịch diễn buổi trưa ba mẹ khó chạy đến, rằng năm sau kịch dài hơn chắc hẳn ba mẹ sẽ ráng đến xem thôi, rằng lần này ba mẹ đã không đi thì chắc là lần sau sẽ đi mà… Rồi bạn cũng ngưng khóc, cùng cô đi tắt đèn quạt, đóng cửa đi xuống lớp.

Mình không nghĩ do mình tài giỏi hay ho gì mà bạn chịu nghe mình. Những lời mình nói, mình cho rằng một ai đó cũng đã nói với bạn rồi. Mình tin rằng do mình xuất hiện đúng lúc, và được ngồi cùng bạn khi tất cả đã đi hết, để bạn không còn thấy xấu hổ tủi thân vì phải nhận những ánh nhìn thương hại từ người lớn và bạn bè. Cả mình, cả giáo viên chủ nhiệm và giáo viên dạy Nấu Ăn đều không khỏi chạnh lòng hoe mắt khi chứng kiến học trò mình bị tổn thương sâu sắc như vậy.

Đúng lúc, đúng thời, nó quan trọng lắm. Người ta thành hay bại cũng một phần do nó. Quan trọng là người ta chọn đặt cái “đúng” ở đâu để nhận định mình thành hay bại mà thôi.

Mình tự nghĩ, đâu mới là kịch, trên cõi đời này, và những vai diễn, những câu thoại, khi nào mới chấm dứt?

Chan,

Nhân một chiểu buồn


Discover more from Mẹ Dạy Bé

Subscribe to get the latest posts sent to your email.

Leave a Reply